Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, thời điểm sau Tết các doanh nghiệp sẽ tập trung tuyển dụng một số lượng lớn lao động để phát triển nhu cầu sản xuất, kinh doanh cho năm 2023. Dự báo nguy cơ thiếu hụt lao động sau Tết sẽ tập trung chủ yếu ở các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, ngành gỗ, chế biến thực phẩm…
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết là do người lao động khi về quê nghỉ Tết chưa trở lại ngay, thậm chí có tâm lí ở lại tìm kiếm việc làm.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đánh giá, nhìn tổng thể, thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động và phát triển không đồng đều; cung lao động còn nhiều bất cập; số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp. Việc kết nối cung – cầu lao động còn hạn chế, vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu cục bộ ở một số địa phương, khu vực, ngành nghề.
Bên cạnh đó, tổ chức dịch vụ việc làm hoạt động chưa thống nhất, tính chuyên nghiệp chưa cao; hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện, chưa thật sự có sự kết nối về thông tin trên phạm vi giữa các ngành, vùng, trên cả nước; cơ sở dữ liệu về thị trường lao động chưa được cập nhật thường xuyên, có độ trễ lớn.
Trong những tháng cuối năm 2022, bên cạnh các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thu hẹp đơn hàng khiến khoảng 53.000 lao động mất việc thì các doanh nghiệp khác vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động là trên 300.000 người.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng năm 2023, cùng với sự phục hồi của kinh tế - xã hội thì thị trường lao động cũng kỳ vọng có những chuyển động theo hướng tích cực. Quy mô dân số Việt Nam năm 2023 ước đạt 100 triệu người, với cơ cấu dân số vàng khoảng 56 triệu người tham gia thị trường lao động, đây được coi là động lực cho phát triển kinh tế những năm tới.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức từ các yếu tố bên ngoài sẽ ngày càng gia tăng; sản xuất kinh doanh đối mặt với nhiều thách thức; lạm phát có thể tăng cao ngay từ những tháng đầu năm; áp lực, rủi ro đối với nền kinh tế, công tác điều hành vĩ mô ngày càng lớn, tiềm ẩn nguy cơ đến khả năng tăng trưởng của nhiều ngành, lĩnh vực. Trong năm 2023, cụ thể là quý 1, quý 2 năm 2023, dự báo tình trạng thiếu lao động cục bộ sẽ tiếp tục diễn ra.
Trước đó, tại hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra hồi đầu tháng 1, dự báo về tình hình thị trường lao động năm 2023, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng thông tin, một số doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn do tác động của thị trường thế giới, quý 1, quý 2 sẽ có hiện tượng thiếu lao động cục bộ ở khu vực phía Nam và miền Trung.
Đặc trưng của thị trường lao động là trong quý 1, quý 2 thường có số lao động nhảy việc lớn, tuy nhiên nhu cầu tuyển dụng ở một số địa bàn có thể gia tăng, khoảng 350.000 - 400.000 lao động, đặc biệt là lao động kỹ thuật.
Trước những bối cảnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, da giày, sản xuất gỗ...) để có phương án kết nối cung – cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu.
Bên cạnh đó, sẽ tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm (chi phí đi lại, thông tin tuyên truyền...).
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng cho rằng ưu tiên hiện nay là duy trì một thị trường lao động linh hoạt, bền vững. Người lao động mất việc, giãn việc có thể tìm kiếm việc làm ở khu vực việc làm không chính thức, sau đó, khi thị trường lao động khởi sắc, doanh nghiệp phục hồi thì họ có thể quay trở lại làm việc.