Tọa đàm kết nối đầu tư Đà Nẵng- Đức đã diễn ra cuối tuần qua tại Đà Nẵng. Đây là sự kiện do Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam GBA và thành phố Đà Nẵng tổ chức và tại đây hai bên đã ký kết ghi nhớ về việc Hợp tác trong hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu tư.
"Đà Nẵng sẽ ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, đổi mới sáng tạo, có tác động lan toả, kết nối chặt chẽ với khu vực kinh tế trong nước như: lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao, R&D, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch – bất động sản giá trị cao, tài chính, y tế, giáo dục", bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng, cho biết.
Theo ông Elmar Dutt, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam GBA, hiện đang có nhiều nhà đầu tư Đức quan tâm đến Đà Nẵng. Thời gian qua, số doanh nghiệp Đức đầu tư vào Đà Nẵng và miền Trung đã tăng đáng kể, và sắp tới, số nhà đầu tư Đức đến với Đà Nẵng được kỳ vọng tiếp tục tăng sau cuộc tọa đàm này, đặc biệt là sau khi hai bên ký kết ghi nhớ về việc Hợp tác trong hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu tư.
Hiện tại, Đức đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á. Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai nước đã đạt hơn 12,5 tỷ USD; Hiện, Đức có 444 dự án còn hiệu lực hoạt động tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là hơn 2,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, phát biểu tại tọa đàm, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nói rằng tại Đà Nẵng, hiện mới chỉ có 11 dự án đầu tư đến từ Đức với tổng số vốn đăng ký là 10,3 triệu USD, chỉ chiếm 01% về số lượng dự án và 0,2% về tổng vốn đầu tư đăng ký trên địa bàn thành phố. Con số này còn rất khiêm tốn so với dư địa hợp tác giữa hai bên.
Để thu hút nhiều nhà đầu tư Đức đến với Đà Nẵng, theo ông Hồ Kỳ Minh, thời gian tới thành phố sẽ ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, đổi mới sáng tạo, có tác động lan toả, kết nối chặt chẽ với khu vực kinh tế trong nước như: lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao, R&D, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch – bất động sản giá trị cao, tài chính, y tế, giáo dục… Những lĩnh vực này, các nhà đầu tư đến từ Đức đều có nhiều lợi thế, do đó Phó Chủ tịch UBND thành phố kỳ vọng sẽ có nhiều dự án của Đức đầu tư vào Đà Nẵng trong thời gian tới.
Cùng với việc quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội, chính sách thu hút đầu tư, qua tọa đàm, Đà Nẵng còn tạo điều kiện kết nối doanh nghiệp Đức với các doanh nghiệp của thành phố, qua đó xây dựng tiền đề phát triển quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai bên trong thời gian đến.
Được biết, hiện GBA có hơn 350 thành viên là các doanh nghiệp Đức và các doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ hợp tác thương mại với Đức.