June 28, 2023 | 14:02 GMT+7

Còn những "điểm nghẽn" trong hoạt động dự báo cung – cầu thị trường lao động

Nhật Dương -

Theo các chuyên gia, hoạt động dự báo cung – cầu thị trường lao động dù được thực hiện bởi nhiều cơ quan, đơn vị song công tác dự báo chủ yếu phục vụ cấp độ vĩ mô…

Người lao động tham gia phiên tuyển dụng việc làm. Ảnh - N.Dương.
Người lao động tham gia phiên tuyển dụng việc làm. Ảnh - N.Dương.

Hiện nay đã có nhiều các trung tâm dự báo về nhu cầu lao động, các viện nghiên cứu thuộc các bộ/ngành…, tuy nhiên, dù có nhiều dữ liệu về cung -cầu lao động nhưng vẫn chưa được quy về một mối, nên chưa có sự thống nhất, phần nào làm cho công tác dự báo thị trường lao động chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. 

CHƯA THỐNG NHẤT TRONG TRIỂN KHAI MÔ HÌNH DỰ BÁO CUNG – CẦU LAO ĐỘNG

Nhìn nhận về công tác dự báo cung – cầu lao động hiện nay, ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nhận thấy, hiện nay các bộ ban ngành, địa phương, thậm chí cả trường học…đều có các đơn vị, phòng ban, bộ phận thực hiện nghiệp vụ phân tích, dự báo. Tuy nhiên, công tác dự báo chủ yếu phục vụ cấp độ vĩ mô, mang tính chiến lược, chưa có ý nghĩa thực sự với người lao động và doanh nghiệp.

“Các đơn vị đang thiếu sự thống nhất trong triển khai mô hình phân tích, dự báo. Mỗi nơi thực hiện theo phương thức khác nhau, dẫn tới kết quả khác nhau, và chúng ta không biết sử dụng kết quả nào mới chính xác. Khó khăn tiếp theo liên quan đến dữ liệu. Dữ liệu nhiều nhưng chưa được quy về một mối. Doanh nghiệp, cơ quan thống kê, cơ quan quản lý nhà nước có sẵn sàng cung cấp cho nhau? Nếu không chia sẻ, tập hợp dữ liệu, mô hình dự báo khó thành công”, ông Toàn thừa nhận.

Bên cạnh đó, dù các đơn vị có thực hiện chức năng dự báo nhưng nhân lực đảm trách chưa được đầu tư đúng mức. Nghiệp vụ phân tích dự báo ít được đào tạo trong trường đại học, nên nguồn cung nhân lực trên thị trường lao động khan hiếm. Đây là những khó khăn cho công tác dự báo.

Ngoài ra, ông Toàn cũng cho rằng, cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi chúng ta phải thay đổi về mô hình dự báo, bởi lẽ khi hội nhập nhiều hơn thì cách thu thập thông tin phải thay đổi, thay vì chờ nguồn dữ liệu thống kê, cần áp dụng Big data.

“Cần thay đổi phương thức, cách thức tổ chức của hoạt động dự báo cung - cầu lao động mới phù hợp xu hướng hiện nay. Nếu làm tốt, trong ngắn hạn, chúng ta sẽ cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động thậm chí hàng tuần, hàng tháng, giúp người lao động, doanh nghiệp biết cách phản ứng với diễn biến thị trường, cũng như nắm rõ sức khỏe của nền kinh tế. Hiện có khó khăn trong công tác dự báo nhưng nếu khắc phục sẽ mang lại những tín hiệu, hiệu quả tích cực trong tương lai”, ông Toàn nhấn mạnh.

CẦN XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU ĐỂ DỰ BÁO KỊP THỜI

Từ thực tế tại địa phương, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội cho biết, việc triển khai, sử dụng mô hình phân tích - dự báo nào phù hợp trên địa bàn cũng là cả vấn đề. Trung tâm đã tham vấn các bên liên quan cùng đánh giá thực trạng, triển khai, ứng dụng mô hình nào phù hợp cho Hà Nội.

“Chúng tôi kỳ vọng mô hình phân tích - dự báo cung cầu lao động phải đáp ứng các yếu tố về tính khoa học, bởi chúng ta không thể chỉ ước đoán, mà phải có số liệu, từ đó đưa ra dự báo, dự đoán tình hình cho chính xác. Thứ hai là tính phù hợp, bởi có thể Hà Nội dùng mô hình dự báo này thì phù hợp, nhưng tỉnh khác thì chưa. Do đó, phải chọn được mô hình phù hợp cho địa phương. Mô hình này cũng phải dùng được trong hiện tại lẫn tương lai. Kết quả của mô hình đầu ra phải phù hợp với sự phát triển của địa phương”, ông Vũ Quang Thành phân tích.

Phỏng vấn tuyển dụng lao động trực tuyến giúp doanh nghiệp và người lao động tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại. Ảnh - Thanh Bình.
Phỏng vấn tuyển dụng lao động trực tuyến giúp doanh nghiệp và người lao động tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại. Ảnh - Thanh Bình.

Để làm tốt hoạt động phân tích và dự báo cung – cầu lao động, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo Chiến lược Phạm Ngọc Toàn cho biết, vừa qua, đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành khảo sát nhu cầu, đánh giá hiện trạng ở một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương…, để xem hiện trạng cơ sở dữ liệu phục vụ cho mô hình thế nào, có đáp ứng cho nhu cầu hay không; xem xét giữa các địa phương thì mô hình, cấu trúc có khác nhau, mức độ dự báo cho các địa phương ra sao.

“Chúng tôi đã thử nghiệm, nhận chia sẻ của chuyên gia quốc tế. Các bên chia sẻ cách thức vận hành thị trường lao động nước ngoài, để xem đâu là kinh nghiệm, bài học, mô hình tốt cho Việt Nam. Hiện đã có mô hình chung cho Việt Nam, nhưng chưa phân tách cho địa phương vì đang mang tính thử nghiệm, quá trình thử nghiệm giúp chúng tôi xác định, để chọn mô hình tốt hơn”, ông Toàn thông tin.

Theo ông Toàn, bước quan trọng là thu thập thông tin để có cơ sở dữ liệu cho thị trường lao động, xác định khoảng trống cơ sở dữ liệu. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng tiến hành song song phát triển mô hình dự báo, xây dựng cơ sở dữ liệu đảm bảo tính liên thông, liên kết với các Bộ như Kế hoạch và Đầu tư để biết tình trạng lao động đang như thế nào trong doanh nghiệp, liên kết bảo hiểm xã hội để xác định lao động có tham gia bảo hiểm, có biến động thế nào về mặt nhân sự…

Hướng tiếp cận của mô hình này là cung cấp thông tin thị trường lao động trong ngắn hạn, theo nhóm riêng. Ví dụ, người lao động, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo…mong muốn nhận thông tin gì sẽ thiết kế cho riêng các nhóm. Trong định hướng xây dựng mô hình, cũng sẽ tính toán những dự báo trong dài hạn, để phục vụ hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược…

Nếu thực hiện thành công, mô hình này sẽ cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động kịp thời. Người lao động biết được diễn biến thị trường đang ra sao; doanh nghiệp xác định chi phí lao động từng vùng, khu vực, từ đó quyết định đầu tư mở rộng kinh doanh hay không, đánh giá rõ nguồn nhân lực có sẵn sàng cho họ quyết định đầu tư tại Việt Nam hay chưa.

 “Theo kế hoạch, cuối năm 2024 sẽ xây dựng xong mô hình, nền tảng cơ sở dữ liệu. Từ năm 2025 trở đi sẽ có nguồn thông tin đầu vào cho cơ sở dữ liệu, ra mắt mô hình ban đầu, cung cấp thông tin chính thức. Như vậy, vào cuối năm 2024, chúng ta sẽ thấy bóng dáng mô hình này, đến năm 2025 có các kết quả đầu tiên”, ông Toàn tin tưởng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate