July 17, 2023 | 17:55 GMT+7

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Vũ Khuê -

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm 07 Chương, 80 Điều, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 và thay thế Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12...

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

Ngày 17/7/2023, tại Phủ Chủ tịch đã diễn ra Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trước đó, ngày 30/6/2023, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 06/2023/L-CTV về việc công bố Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2023. Để thực hiện công bố Lệnh của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức Họp báo công bố Lệnh.

Tại buổi Họp báo, thừa lệnh Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh số 06/2023/L-CTV về việc công bố Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tham dự buổi Họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã giới thiệu một số nội dung của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, ngày 20 tháng 6 năm 2023 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm 07 Chương, 80 Điều, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 và thay thế Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi nhằm hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Đồng thời, Luật tạo động lực cho cạnh tranh và phát triển sáng tạo của doanh nghiệp. Hỗ trợ, khuyến khích hoạt động của các tổ chức xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về nội dung sửa đổi, bên cạnh việc hoàn thiện các nội dung quy định về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; về các tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật đã bổ sung một số nhóm quy định mới.

Bao gồm, bổ sung thêm đối tượng áp dụng là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị - xã hội; làm rõ tổ chức xã hội bao gồm tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Luật cũng bổ sung, làm rõ khái niệm về một số chủ thể mới, bao gồm: người tiêu dùng, người có ảnh hưởng, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, tổ chức bán hàng đa cấp và cá nhân tham gia bán hàng đa cấp.

Đối với các giao dịch có yếu tố xuyên biên giới, các giao dịch trên không gian mạng, Luật đã bổ sung đối tượng mới là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật bổ sung quy định về sản xuất và tiêu dùng bền vững, bao gồm: khái niệm về tiêu dùng bền vững, quy định các hoạt động thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững và quy định về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Luật xác định rõ 07 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương và quy định một số trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó nổi bật là trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Về một số giao dịch đặc thù, Luật bổ sung một số quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch đặc thù, gồm: Quy định rõ các thông tin cần cung cấp trong giao dịch từ xa; trách nhiệm đặc thù của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng. Trong đó, bao gồm trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian và tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn.

Quy định trách nhiệm thông báo công khai về đại diện theo pháp luật tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam và thông báo công khai về đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam trong cung cấp dịch vụ liên tục.

Bổ sung bán hàng đa cấp, bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên, đồng thời, quy định thêm trách nhiệm đặc thù của các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thực hiện giao dịch trên với người tiêu dùng.

Luật mở rộng phạm vi các tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cơ sở khuyến khích, tạo điều kiện để tất cả các loại hình tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, Luật bổ sung sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về phương thức giải quyết tranh chấp, Luật bổ sung quy định về quyền của người tiêu dùng yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thương lượng hoặc quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ thương lượng khi quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm và hoàn thiện, bổ sung quy định về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật bổ sung trách nhiệm cụ thể của UBND từng cấp tỉnh, huyện và xã. Bổ sung để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, UBND cấp trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.

Để triển khai hiệu quả, kịp thời Luật, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nhanh chóng xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật.

Tập trung xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, rà soát sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chương trình, công cụ, cơ sở dữ liệu về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nâng cao hiệu quả thực thi Luật.

Chủ động và thường xuyên thực hiện phổ biến, tuyên truyền Luật, văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật tới các chủ thể có liên quan trên phạm vi cả nước.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate