July 03, 2025 | 11:12 GMT+7

Công chức đi học sau đại học phải cam kết làm việc gấp 3 lần thời gian đào tạo tại cơ quan, đơn vị cử đi học

Nhật Dương -

Công chức được cử đi đào tạo sau đại học, phải cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị cử đi trong thời gian ít nhất gấp 3 lần thời gian đào tạo, theo quy định mới của Chính phủ…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chính phủ ban hành Nghị định 171/2025/NĐ-CP quy định về đào tạo, bồi dưỡng công chức, với quan điểm tập trung bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ.

Nghị định 171 yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào vị trí việc làm gắn với công tác sử dụng, quản lý công chức phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của cơ quan, đơn vị.

Nghị định quy định rõ yêu cầu về đào tạo sau đại học. Theo đó, đào tạo sau đại học đối với công chức nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của cơ quan, đơn vị.

Ưu tiên đào tạo các lĩnh vực: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, công nghệ số.

Về điều kiện cử đi đào tạo sau đại học, công chức có thời gian công tác từ đủ 3 năm trở lên, và 2 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Công chức không quá 45 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu.

Đặc biệt, công chức có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị cử đi đào tạo sau đại học, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 3 lần thời gian đào tạo. Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

Nghị định 171 cũng nêu rõ, công chức được cử đi đào tạo sau đại học bằng nguồn ngân sách nhà nước, hoặc nguồn kinh phí của cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng công chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(1) Tự ý bỏ học, bỏ việc trong thời gian đào tạo; (2) Thực hiện hình thức kỷ luật buộc thôi việc theo quy định; (3) Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp.

(4) Đã hoàn thành khóa đào tạo và được cấp văn bằng tốt nghiệp, nhưng bỏ việc, bị kỷ luật buộc thôi việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định (ít nhất gấp 3 lần thời gian đào tạo).

Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ khóa đào tạo, không tính lương và các khoản phụ cấp (nếu có).  

Bên cạnh đó, Nghị định 171 cũng quy định cụ thể yêu cầu bồi dưỡng ở nước ngoài. Theo đó, quốc gia được chọn để cử công chức đến học tập phải có nền hành chính hiện đại, quản trị công hiện đại, có thế mạnh, kinh nghiệm quản lý về các lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, hội nhập quốc tế, và các lĩnh vực khác cần học tập, nghiên cứu, có thể áp dụng ở Việt Nam.

Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có các điều kiện học tập, nghiên cứu, phương pháp giảng dạy đáp ứng được mục đích, nội dung, chương trình của khóa bồi dưỡng.

Việc tổ chức bồi dưỡng ở nước ngoài phải bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, việc cử công chức đi bồi dưỡng ở nước ngoài phải bảo đảm phù hợp với vị trí việc làm và nhu cầu của cơ quan, đơn vị.

Về điều kiện bồi dưỡng ở nước ngoài, đối với các khóa bồi dưỡng có thời gian dưới 1 tháng, công chức phải còn đủ tuổi để công tác ít nhất 18 tháng, tính từ khi khóa bồi dưỡng bắt đầu.

Đối với các khóa bồi dưỡng có thời gian từ 1 tháng trở lên đến dưới 12 tháng, công chức phải còn đủ tuổi để công tác ít nhất 24 tháng tính từ khi khóa bồi dưỡng bắt đầu. Chuyên môn, nghiệp vụ của công chức được cử đi bồi dưỡng phải phù hợp với nội dung của khóa bồi dưỡng.

Đặc biệt, công chức không trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật, hoặc trong thời gian thi hành kỷ luật từ khiển trách trở lên; không thuộc trường hợp chưa được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật.

Người được cử đi bồi dưỡng phải được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm trước liền kề.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate