November 11, 2023 | 10:00 GMT+7

Cộng đồng doanh nghiệp đặt kỳ vọng lớn vào Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Song Hoàng -

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội vào chiều 10/11. Đây là dự án luật không chỉ được cơ quan Nhà nước các cấp quan tâm mà cộng đồng các doanh nghiệp cũng mong đợi, kỳ vọng dự thảo Luật khi ban hành sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực của Thủ đô, tạo sự lan tỏa, động lực dẫn dắt cho cả vùng và đất nước...

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ giúp Hà Nội khơi thông các nguồn lực, tạo đà phát triển
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ giúp Hà Nội khơi thông các nguồn lực, tạo đà phát triển

Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ tư ngày 21/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô.

CƠ HỘI ĐỂ BỨT TỐC, PHÁT TRIỂN 

Sau hơn 10 năm thi hành, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền và nhân dân Thành phố về vị trí, vai trò và định hướng xây dựng, phát triển Thủ đô. Các cơ chế, chính sách được ban hành đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô.

Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy, sau nhiều năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực: Xây dựng; Quản lý sử dụng đất đai; Cơ chế tài chính, chính sách liên kết vùng, nhất là các chính sách thu hút nguồn lực, thu chi ngân sách để thúc đẩy đầu tư phát triển; Chính sách an sinh xã hội, phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường…

Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên là do pháp luật về Thủ đô chưa đầy đủ, kịp thời, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước. Một số quy định của Luật Thủ đô chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu quy định về các cơ chế đặc thù cụ thể.

Mặt khác, sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực, có nhiều đạo luật chuyên ngành được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề hoặc bãi bỏ quy định của Luật Thủ đô. Việc chưa có quy định về áp dụng Luật Thủ đô đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong việc thi hành…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị .
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị .

Trước những tồn tại nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, Nghị quyết số 30-NQ/TƯ, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua quá trình thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật Thủ đô năm 2012.

Đồng thời, Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; có vai trò lan tỏa, thúc đẩy Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

KỲ VỌNG VỀ MỘT THỦ ĐÔ HIỆN ĐẠI, ĐI ĐẦU

Theo TS. Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, Thủ đô Hà Nội đang phát triển một cách mạnh mẽ và luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ là Thủ đô của đất nước mà còn là 1 trong 2 trung tâm kinh tế lớn nhất của nước nhà.

 
TS. Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia
TS. Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia

"Việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, tạo đà cho cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp ngày càng có thêm nhiều doanh nhân góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người dân Thủ đô và đóng góp cho kinh tế Thủ đô càng ngày càng phát triển".

Chính vì vậy, để có một hành lang pháp lý đáp ứng đúng nhu cầu phát triển Thủ đô là rất cần thiết, nên việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 không chỉ tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

Cùng chung nhận định trên, với tư cách là người đứng đầu doanh nghiệp có trụ sở đóng trên địa bàn Thủ đô, TS. Hoàng Trung Dũng - Chủ tịch Học viện Kingsman, Chủ tịch Rosa Bonita, cảm thấy vô cùng phấn khởi và kỳ vọng Luật Thủ đô (sửa đổi) chắc chắn sẽ trực tiếp góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đã mở ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít khó khăn về thể chế, về nguồn lực hỗ trợ như hiện nay.

“Luật Thủ đô sau khi sửa đổi sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, khắc phục những khó khăn, vướng mắc bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy kinh tế vùng và cả nước. Theo đó, các doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều khi có điều kiện phát triển khi được hưởng nhiều cơ chế đặc thù như vậy.” – TS. Hoàng Trung Dũng chia sẻ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Rosa Bonita còn bày tỏ doanh nghiệp rất trông đợi việc chính quyền Thủ đô chủ động quyết định các vấn đề phát triển hạ tầng giao thông công cộng, đặc biệt là phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng khối lượng lớn; phát triển công nghiệp văn hóa; thu hút, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô; chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô; thu hút nhà đầu tư chiến lược; hoạch, phát triển, khai thác không gian ngầm, khoảng không phục vụ đời sống nhân dân…

Đây đều là những vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp và doanh nghiệp sẵn sàng tham gia cùng chính quyền thực hiện một cách hiệu quả và thiết thực nhất.

Là một doanh nhân xây dựng doanh nghiệp ngay tại Thủ đô Hà Nội, doanh nhân Đỗ Thị Như Quỳnh - người đại diện hợp pháp cho 4 doanh nghiệp: Công ty CP Sản xuất Thương mại XNK Ngân Hà, Công ty TNHH May thời trang Ngân Hà, Công ty CP Xây lắp MEC Việt Nam và Công ty TNHH Hoạt động Xã hội Next-G Foundation, cũng nhận thấy những sự thay đổi được đề xuất sẽ góp phần trực tiếp hỗ trợ hệ thống doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô, thúc đẩy phát triển từ sản xuất, thương mại đến tiêu dùng.

Bên cạnh đó, theo bà Đỗ Thị Như Quỳnh, Luật Thủ đô khi sửa đổi và bổ sung cũng nên hướng với việc tiếp tục hoàn thiện hồ sơ pháp lý, xây dựng cơ chế riêng vượt trội, phát triển, hành lang pháp lý rõ ràng, thủ tục hành chính tinh giản để giúp doanh nghiệp có thể vượt qua mọi khó khăn. 

 
Doanh nhân Đỗ Thị Như Quỳnh
Doanh nhân Đỗ Thị Như Quỳnh

“Với tư cách là một công dân Việt Nam cũng như chủ nhiều doanh nghiệp, tôi luôn hướng tới việc chung tay xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp và thanh lịch để có thể thu hút được thêm nhiều nguồn đầu tư chất lượng cao từ nước ngoài cho Thủ đô. Nếu có thể làm được những điều trên, vị thế của Thủ đô Hà Nội nói riêng và đất nước của chúng ta nói chung sẽ được nâng tầm hơn nữa trong mắt bạn bè quốc tế”. 

Còn theo ông Nguyễn Hồng Lam - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hồng Lam, trong gần 30 năm xây dựng và phát triển, doanh nghiệp luôn làm việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật, cập nhật và tuyên truyền các kiến thức pháp luật mới nhất, để các thành viên trong doanh nghiệp được biết, hiểu và tuân thủ theo các quy định.

Trong bối cảnh kinh tế hội nhập, theo chỉ đạo từ Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2023 của thủ tướng chính phủ, Hồng Lam cũng hướng đến những hoạt động tăng trưởng xanh bền vững. Để đạt được mục tiêu này cần đến sự phối hợp chặt chẽ, hiệp lực giữa các ban ngành lãnh đạo, chính quyền địa phương và các tập đoàn, các doanh nghiệp, tổ chức…

Do vậy doanh nghiệp của ông mong chờ những cơ chế mới, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp trong thời kỳ kinh tế khó khăn, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ như Hồng Lam có thêm động lực; hành lang pháp lý rõ ràng; thủ tục hành chính tinh giản và những văn bản hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp dễ dàng thực hiện đúng.

"Khi biết những quy hoạch mới trong Luật thủ đô, doanh nghiệp chúng tôi hiểu rằng chính quyền đang dành nhiều nỗ lực để xây dựng những chính sách minh bạch, rõ ràng, đảm bảo quyền lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động yên tâm sản xuất và kinh doanh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp thu, học hỏi và thực hiện nghiêm túc các quy định từ chính quyền địa phương", ông Nguyễn Hồng Lam bộc bạch.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 10/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc sẽ tiến hành thảo luận tổ về Dự án Luật này. Tiếp đó, sáng 27/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Dự án Luật.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate