Theo Tech Collective Asia, lĩnh vực Du lịch và Lữ hành Đông Nam Á hiện đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, ước đạt 31,53 tỷ USD vào năm 2024 và 38,22 tỷ USD vào năm 2028.
Theo tài liệu phân tích Khảo sát tình hình đối với các nhà điều hành khách sạn năm 2023 của công ty quản lý đầu tư bất động sản JLL (Jones Lang LaSalle) có trụ sở tại Singapore, mức độ lấp đầy tăng khi một số thị trường trọng điểm mở cửa trở lại.
Giá phòng trung bình hàng ngày (ADR) ở những địa điểm như Bali và Phuket đã vượt quá mức trước đại dịch hơn 20%. Hơn nữa, dự kiến 73% khách sạn ở Châu Á Thái Bình Dương (APAC) cũng sẽ tăng ADR.
THÁCH THỨC NHIỀU NĂM QUA
Nhìn lại vài năm về trước, những thách thức mà ngành phải đối mặt có thể kể đến như đại dịch COVID-19, thảm họa do biến đổi khí hậu, căng thẳng và xung đột đa quốc gia. Đại dịch khiến nhiều nơi bị phong tỏa và hạn chế di chuyển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những điểm du lịch tại các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Một số vấn đề khác bao gồm du khách chưa tuân thủ quy định tiêm chủng, dẫn đến việc bị từ chối nhập cảnh ngay tại sân bay.
Trước đây, nhiều chuyên gia từng dự đoán một số “cơn bão” càn quét nền kinh tế như thiếu nguồn vốn khởi nghiệp, lãi suất leo thang, lạm phát đẩy chi phí khách sạn lên cao và chi phí năng lượng tăng ảnh hưởng đến hoạt động hậu cần du lịch. Hơn nữa, người lao động mong đợi nhiều lợi ích hơn sau đại dịch COVID-19, buộc khách sạn phải tăng giá cho thuê.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu và chi phí giảm phát thải carbon cao, khiến ngành du lịch không thể tính giá phòng thấp. Thời điểm đó, việc áp dụng công nghệ trong nhà hàng, khách sạn và chuỗi cơ sở kinh doanh thực phẩm & đồ uống (F&B) rất tốn kém, khiến chủ doanh nghiệp khó ứng dụng công nghệ. Cuối cùng, các đợt phong tỏa kéo dài từ Trung Quốc hạn chế lượng lớn du khách đến ASEAN.
Những vấn đề này dẫn đến tình trạng mất việc làm, doanh thu giảm sút, chi phí và vốn đầu tư tăng.
CÔNG NGHỆ KHÁCH SẠN ĐÃ CHỨNG MINH KHẢ NĂNG PHỤC HỒI BẰNG CÁCH NÀO
Doanh nghiệp ASEAN trong lĩnh vực công nghệ dịch vụ lưu trú đã chứng minh khả năng phục hồi khi đứng trước nhiều thách thức khác nhau. Họ tin tưởng vào sáng kiến và chính sách của chính phủ, mang lại nhiều thành công và nguồn vốn dồi dào thông qua các gói hỗ trợ.
Thứ hai, chuyển đổi kỹ thuật số khu vực thúc đẩy các bên liên quan đến công nghệ dịch vụ lưu trú có thể số hóa dịch vụ và đa dạng hóa nguồn doanh thu. Họ tái cấu trúc các gói tour du lịch bằng nhiều cách như giảm giá khi đăng ký nhóm hay sử dụng chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng.
Khi đại dịch diễn ra căng thẳng trên toàn thế giới, doanh nghiệp du lịch tập trung khai thác tuyến nội địa để tránh quy định hạn chế di chuyển. Họ cũng tái cấu trúc và sắp xếp hợp lý các hoạt động để tăng hiệu quả và giảm lãng phí tài nguyên. Bằng cách phân tích các vấn đề trong ngành, họ chuyển định hướng sang ưu tiên tính bền vững và bảo vệ môi trường.
Một số cơ sở khách sạn buộc phải sa thải nhân viên trong những năm COVID, nhưng khi mở cửa trở lại, họ bắt đầu tuyển dụng bổ sung để chuẩn bị cho các kỳ nghỉ lễ. Đặc biệt, nhà quản lý mong muốn nhân viên nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ nhằm đơn giản hóa quy trình và tăng hiệu quả công việc.
TRIỂN VỌNG TƯƠNG LAI LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ KHÁCH SẠN ĐÔNG NAM Á
Bất chấp những khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra, công nghệ đang giúp lĩnh vực này phục hồi tốt. Du lịch thông minh đang phát triển nhanh chóng, công nghệ cung cấp nhiều công cụ phân tích, ứng dụng gọi xe và thiết bị IoT điều khiển phòng thông minh giúp giảm chi phí vận hành.
Ngoài ra, chủ doanh nghiệp khách sạn sử dụng phần mềm quản lý trực tuyến để ghi lại dữ liệu khách hàng trên các nền tảng an toàn. Đồng nghĩa với đó, chi phí an ninh mạng tăng khi mọi người trở nên ý thức hơn về tính an toàn dữ liệu và bảo mật thông tin tài chính.
Doanh nghiệp khách sạn có thể duy trì tính cạnh tranh thông qua đổi mới, nhận tài trợ, tìm kiếm cơ hội thị trường, nâng cao kỹ năng nhân viên và hình thành mối quan hệ đối tác để cung cấp các dịch vụ bổ sung. Có nhiều cơ hội để thu hút khách du lịch từ những thị trường chưa được khai thác và sử dụng chiến thuật tiếp thị để thúc đẩy ngành.
Việc áp dụng công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI), giúp lĩnh vực khách sạn phát triển bằng cách cung cấp một số giải pháp như tự phục vụ, mua và đặt tour du lịch qua ứng dụng, bảo mật và lưu trữ hồ sơ thông qua blockchain. Mặc dù vậy, xu hướng số hóa yêu cầu nhân viên cần phải nâng cao kỹ năng để cải thiện dịch vụ.
Bên cạnh đó, lựa chọn nhà cung cấp phù hợp giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, lựa chọn sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, đồng thời có cơ hội hợp tác với những công ty chú trọng giải pháp biến đổi khí hậu. Công nghệ có thể giúp doanh nghiệp hướng đến sử dụng năng lượng sạch, sản phẩm bao bì tái chế, thân thiện với môi trường.
Hơn nữa, mối quan tâm về tính bền vững có thể được giải quyết bằng cách thay thế biên lai và tài liệu giấy bằng hóa đơn trực tuyến. Thẻ từ khóa phòng cũng có thể thay thế bằng khóa kỹ thuật số để bảo vệ môi trường.
Thúc đẩy du lịch nội địa là điều cần thiết, đặc biệt là khi tổ chức hội nghị và sự kiện. Do đó, các nhà lãnh đạo ASEAN nên mở cửa và khuyến khích du khách nước ngoài để đứng vững trước tình hình kinh tế nhiều bất ổn. Cuối cùng, quan hệ đối tác chiến lược, áp dụng công nghệ khách sạn ở Đông Nam Á sẽ giúp cải thiện hoạt động kinh doanh và mở rộng phạm vi thị trường.