June 21, 2022 | 10:00 GMT+7

Công nghệ mới định hình phát triển báo chí số

Đỗ Phong -

Trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), Blockchain, Metaverse… được coi là những công nghệ đã, đang và sẽ tác động mạnh tới báo chí, tạo môi trường để báo chí phát triển theo các hướng: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công nghệ không ngừng phát triển kéo theo sự thay đổi cả trong cách độc giả tiếp cận tin tức và cách các tòa soạn sản xuất và phân phối tin tức. Độc giả giờ đây không thụ động chờ đợi tin tức qua báo in, truyền hình hay radio mà chủ động tìm kiếm thông tin thông qua nhiều phương tiện khác nhau, từ mạng xã hội, podcast, OTT đến các nhóm trò chuyện riêng tư trên công cụ chatting. Chính vì vậy, báo chí phải xuất hiện ở tất cả những nơi mà độc giả có mặt.

Các cơ quan báo chí lớn trên thế giới luôn coi công nghệ là một yếu tố không thể thiếu đối với sự phát triển của tòa soạn và luôn dành sự quan tâm lớn với công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới.

CUỘC ĐUA ỨNG DỤNG AI, BLOCKCHAIN, METAVERSE

Việc kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình sản xuất tin tức có thể giúp các tòa soạn hoạt động hiệu quả hơn. Nền tảng AI dựa trên học máy và hệ thống xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt có thể được sử dụng để phát hiện đề tài, thu thập và xử lý thông tin.

Chia sẻ về ứng dụng công nghệ này, ông Bùi Công Duyến, Giám đốc sản phẩm tòa soạn hội tụ ONECMS, Công ty cổ phần công nghệ NEKO, cho biết AI có thể giúp cơ quan báo chí địa phương dễ dàng biết được các báo điện tử trong nước có những bài viết nào viết về địa phương mình tại một thời điểm nhất định nào đó, từ đó giúp tòa soạn lên kế hoạch khai thác hoặc phản bác lại các thông tin không chính xác.

 
Blockchain đang được một số hãng tin như New York Times, Forbes, AP thử nghiệm để xác thực nội dung. Công nghệ này giúp lưu trữ dữ liệu dạng Metadata gồm thời gian, địa điểm chụp ảnh, quay video, đăng bài, người thực hiện, phương thức thực hiện cũng như thời điểm thông tin được chỉnh sửa và xuất bản...Qua đó minh bạch thông tin về quyền tác giả, tăng sự tin tưởng của độc giả và thúc đẩy năng lực của nhà báo.

AI cũng có thể giúp các tòa soạn kiểm duyệt nội dung bình luận của độc giả một cách dễ dàng hơn bằng cách tự động duyệt những nội dung không vi phạm và đánh dấu các nội dung vi phạm nội quy của tòa soạn. Ở một mức cao hơn, AI giúp tạo ra những nhà báo robot, tự động viết báo trong một số mảng nội dung nhất định như kinh tế, thể thao.

Bên cạnh AI, công nghệ Blockchain đang được một số hãng tin như New York Times, Forbes, AP thử nghiệm để xác thực nội dung. Công nghệ này giúp lưu trữ dữ liệu dạng Metadata bao gồm thời gian và địa điểm chụp ảnh, quay video, đăng bài, người thực hiện hành động, phương thức thực hiện cũng như thời điểm thông tin được chỉnh sửa và xuất bản...,  qua đó minh bạch thông tin về quyền tác giả, sự công nhận, từ đó tăng sự tin tưởng của độc giả và thúc đẩy năng lực của các nhà báo chân chính.

Một công nghệ mới được nhắc nhiều đến trong thời gian gần đây và đã được xác định là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, đó là Metaverse. Các sự kiện ảo, biểu diễn ảo, chương trình ảo trở nên phổ biến khi xã hội giãn cách vì Covid-19. Điều này báo trước sự xuất hiện của môi trường kỹ thuật số siêu nghịch đảo- trực tuyến, bền bỉ và được kết nối với nhau, nơi chúng ta có thể gặp gỡ để giao lưu, làm việc và để giải trí.

Công nghệ mới định hình phát triển báo chí số - Ảnh 1

Các buổi biểu diễn “siêu đẳng” như hòa nhạc của Ariana Grande và Bruno Mars diễn ra năm ngoái trong trò chơi trực tuyến Fortnite chỉ là một cái nhìn thoáng qua về những gì sắp xảy ra. Metaverse sẽ ngày càng trở thành địa điểm mà người dùng có thể chia sẻ trải nghiệm giải trí với bạn bè ngay trong ngôi nhà của mình. Các dịch vụ phát trực tuyến Hulu và Disney Plus đã bao gồm các chức năng “xem cùng bạn bè” cho phép chia sẻ, xem phim với các nhóm bạn ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Ông Duyến cũng chia sẻ thêm các hình thức truyền thông và giải trí truyền thống, chính thống và đại chúng sẽ tiếp tục mất vị thế trước các phương tiện truyền thông được cá nhân hóa, thích hợp và hướng tới cộng đồng nhiều hơn. Các phương tiện truyền thông chính thống sẽ cố gắng mô phỏng phương pháp của các nền tảng như YouTube, TikTok và Twitch. Các video dạng ngắn và nền tảng do người sáng tạo hướng tới sẽ ngày càng phổ biến, đặc biệt là những nền tảng cho phép khán giả phát triển mối quan hệ cá nhân và kết nối với những người sáng tạo và người có ảnh hưởng yêu thích của họ.

TẠO MÔI TRƯỜNG CHO BÁO CHÍ SỐ PHÁT TRIỂN

Dưới góc độ của một người làm công nghệ cho báo chí, ông Duyến cho rằng một số xu hướng chủ đạo của công nghệ mới như AI, Metaverse, Blockchain… hoàn toàn có thể nghiên cứu, áp dụng ở Việt Nam.

Nhìn về lịch sử phát triển báo chí số cũng như triển vọng tương lai, TS. Đỗ Anh Đức, Viện Đào tạo báo chí và Truyền thông, cho biết chủ đề về báo chí số đã và đang tiếp tục được quan tâm nhiều và chiếm không gian thảo luận, nhất là ứng dụng AI trong báo chí số, báo chí dữ liệu, báo chí di động, báo chí nhúng gắn liền với ứng dụng của công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR).

Công nghệ mới định hình phát triển báo chí số - Ảnh 2

Theo các chuyên gia, nhiều công ty công nghệ lớn đang đầu tư vào Metaverse. Vì vậy đây sẽ là một cuộc chuyển đổi lớn từ cách tương tác, tổ chức cộng đồng, cách thông tin, kinh doanh, giải trí, thực hành văn hóa… Những ứng dụng của VR và AR đã và đang mang đến những trải nghiệm đầu tiên về một thế giới hoàn toàn ảo. Về mặt thực hành báo chí, đã có một số tòa soạn báo thử nghiệm phỏng vấn nhân vật với cách mà họ gọi là “đi vào trong Metaverse”.

Thời báo Tài chính (Financial Times) tiên phong trong phỏng vấn Giám đốc của Meta và tiếp đó, báo chí một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc cũng thử nghiệm tương tự. Báo South China Morning Post thử nghiệm việc mã hóa các bài báo quan trọng, hình ảnh và các dữ liệu khác dưới dạng token NFT, ứng dụng công nghệ Blockchain, có thể trao đổi, mua bán, sưu tập mà không sợ bị giả mạo.

 
Một số xu hướng công nghệ mới như AI, Metaverse, Blockchain… hoàn toàn có thể nghiên cứu, áp dụng ở Việt Nam. Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã từng bước áp dụng các công nghệ số như AI, IoT, Cloud, Big Data… vào hoạt động của mình.

Hiện nay ở Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí từng bước áp dụng các công nghệ số hiện đại như AI, IoT, Cloud, Big Data… vào hoạt động của mình. Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV hay VietnamPlus, VnExpress, Zing… đã trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại.

Đại diện Báo điện tử VietnamPlus chia sẻ: các ứng dụng AI, Big Data, IoT bước đầu được triển khai để tạo ra các sản phẩm mới, cách tiếp cận thông tin hiện đại như: ứng dụng trả lời tự động (Chatbot) trên báo điện tử VietnamPlus, hay các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác. Hiện nay, hàng loạt sản phẩm báo chí hiện đại, sử dụng AI đã và đang được nhiều đơn vị trong Thông tấn xã Việt Nam triển khai như Podcast, Speech-to-Text, loa thông minh ra lệnh bằng giọng nói, phân tích dữ liệu người dùng, gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc theo dạng thư tòa soạn hay tin tuyển chọn từ ban biên tập; hoặc việc tiếp tục các kênh thông tin trên mạng xã hội, các ứng dụng di động để tăng độ tương tác với bạn đọc…

VietnamPlus đã sớm khai thác sử dụng tự động hóa và AI vào sản xuất các sản phẩm báo chí như Infogram, Flourish (sản xuất infographics), Wochit (sản xuất video), Vbee (biến văn bản thành giọng nói), công cụ xác thực thông tin (fact-check)…

Được xem là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi số, Báo Nhân dân cho biết đã tích hợp hàng loạt giải pháp công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm cho độc giả. Có thể kể đến như sử dụng QR Code để độc giả báo in dễ dàng tiếp cận thông tin của báo điện tử nhằm tăng khả năng lưu trang cũng như đọc các tin tức mới; Podcast giúp người dùng không chỉ thuận tiện trong việc nghe tin tức mà còn làm tăng lượng độc giả trung thành...

Quan điểm “Digital First” được áp dụng triệt để tại báo khi thông tin không chỉ đăng tải ở báo in và báo điện tử mà còn được khai thác trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok… Không những thế, báo còn áp dụng sâu công nghệ nhằm thu hút độc giả như: sử dụng AI để đo lường, phân tích nhu cầu và thói quen đọc, từ đó đưa ra các gợi ý tin tức phù hợp với từng độc giả. Hay sử dụng báo chí tự động viết bằng robot nhằm phát huy tối đa tính tốc độ của báo chí nhưng lại không tốn nhân sự.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate