
Theo thông tin từ BYD, các thành phần cốt lõi của nền tảng Super e-Platform gồm động cơ, bộ điều khiển điện tử và pin đã được nâng cấp toàn diện.
Thay đổi này giúp công suất sạc đạt mức đến 1MW, tương đương 1.000kW - mức cao nhất trên thị trường hiện tại. Super e-Platform giúp xe có thêm 2 km di chuyển sau mỗi giây sạc và có thể cung cấp phạm vi di chuyển lên đến 400 km chỉ sau 5 phút sạc.
Nền tảng Super e-Platform trang bị động cơ 580kW, tốc độ tối đa đạt được trên 300 km/h (mẫu xe BYD HAN L và BYD TANG L tại thị trường Trung Quốc). Tốc độ tối đa ấn tượng và khả năng tăng tốc nhanh đạt được nhờ vào công nghệ động cơ mới có khả năng hoạt động lên đến 30.000 vòng/phút.
Ông Vương Truyền Phúc, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn BYD, cho biết công nghệ mới sẽ là giải pháp giúp xóa bỏ nỗi lo lớn nhất của người dùng xe điện: “Để loại bỏ hoàn toàn nỗi lo lắng về việc sạc xe của người dùng, mục tiêu của chúng tôi là làm cho việc sạc xe điện nhanh như việc đổ xăng - đạt được sự tương đồng giữa xăng, dầu và điện về tốc độ nạp nhiên liệu”.
Để đạt được sự cân bằng này, quá trình sạc cần kết hợp cả điện áp cao và cường độ dòng điện cao. Super e-Platform là nền tảng xe ô tô sản xuất hàng loạt thương mại đầu tiên trên thế giới cho phép dung lượng đạt mức kV trên toàn bộ pin, động cơ, nguồn điện và hệ thống điều hòa không khí.

BYD cũng đã phát triển và sản xuất hàng loạt chip nguồn SiC mới với điện áp định mức lên đến 1.500V - mức điện áp cao nhất trong ngành chip nguồn SiC sản xuất hàng loạt.
Trong buổi công bố nền tảng Super e-Platform, Phó chủ tịch điều hành BYD kiêm Chủ tịch Viện nghiên cứu kỹ thuật ô tô Lian Yubo cũng công bố phát triển hệ thống sạc nhanh megawatt, làm mát bằng chất lỏng đầu tiên trong ngành, có thể cung cấp công suất tối đa 1.360kW.
BYD có kế hoạch xây dựng hơn 4.000 trạm sạc nhanh megawatt trên khắp Trung Quốc. Ngoài các trạm của riêng mình, BYD cũng đã phát triển công nghệ “đầu sạc kép” có thể nâng cấp bộ sạc nhanh thành bộ sạc siêu nhanh và bộ siêu nạp thành bộ sạc nhanh. Công nghệ “tăng cường hiệu suất thông minh” đầu tiên trên thế giới này đảm bảo khả năng tương thích với các trạm sạc công cộng, cho phép sạc xe thuận tiện ở nhiều địa điểm khác nhau.
BYD cho biết với cơ sở hạ tầng hiện có, kết hợp cùng các đầu sạc nhanh do chính BYD phát triển và công nghệ Super e-Platform sẽ định nghĩa lại khả năng di chuyển thuần điện.
Hiện ở phương Tây, hầu hết xe điện vẫn dựa vào công nghệ 400 volt và không thể xử lý quá 200 kW điện. Một số ít xe có thể xử lý được như xe sử dụng nền tảng E-GMP của Hyundai-Kia, có hệ thống điện 800 volt và có thể sử dụng bộ sạc 350 kW, mặc dù khả năng tiêu thụ thực tế vẫn còn nhiều vấn đề.
Những người lái xe 350 kW ở phương Tây sẽ biết rằng không thể luôn sử dụng hết khả năng sạc tối đa của xe điện 800 volt, do đó BYD sẽ cần phải nhanh chóng đưa những bộ sạc đó ra góc độ thương mại. Tuy điều này không dễ. Việc lắp bộ sạc 1 MW phức tạp hơn nhiều so với việc lắp thêm một đơn vị 50 kW và tốn kém hơn rất nhiều do cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng.
BYD cũng đã ra mắt xe điện Han L và Tang L, sử dụng Super E-Platform. Dòng xe sedan Han và SUV Tang đều bắt đầu với một động cơ phía sau tạo ra công suất 500 kW (670 mã lực / 680 PS) với mức giá dưới 40.000 USD, trong khi các phiên bản AWD động cơ kép tạo ra công suất 810 kW (1.086 mã lực / 1.101 PS).