Theo nội dung bản quy hoạch công nghiệp ôtô, về dài hạn, trọng tâm sản phẩm của ngành công nghiệp ôtô trong nước sẽ là các dòng xe đa dụng 6 – 9 chỗ ngồi.
Tại một cuộc hội thảo diễn ra hồi tháng 8/2008, đại diện Bộ Công Thương và các nhà sản xuất ôtô lớn thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cũng đã khẳng định trọng tâm của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trong thời gian tới là các dòng xe đa dụng 6 – 9 chỗ ngồi.
Tuy nhiên, các mức thuế suất tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vừa được Quốc hội thông qua lại điều chỉnh theo hướng tăng lên đối với các loại xe đa dụng từ 6 – 9 chỗ ngồi.
Trong đó, mức thuế suất áp dụng với xe có dung tích xi-lanh từ 2.000cm3 trở xuống sẽ tăng lên 45%, xe có dung tích xi-lanh trên 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 tăng lên 50% và xe có dung tích xi-lanh trên 3.000 cm3 tăng lên mức 60%. Thuế suất cũ đối với các loại xe này ở mức chung là 30%.
“Việc điều chỉnh thuế này rất bất lợi cho dòng xe đa dụng 6 – 9 chỗ, là dòng xe thiết yếu đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các gia đình. Dưới tác động của thuế mới, giá các loại xe này năm sau có thể sẽ tăng thêm 15% - 20%. Điều đó chắc chắn tác động làm giảm sản lượng bán của dòng xe này và cũng ảnh hưởng đến việc duy trì và tăng cường tỷ lệ nội địa hóa của dòng xe đang được các hãng đầu tư rất lớn”, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ford Việt Nam, ông Michael Pease nói.
Giống như Ford, hãng xe đang có doanh số số 1 Việt Nam là Toyota cũng khẳng định họ rất cần sự trợ giúp từ phía Chính phủ thông qua các sắc thuế đối với các dòng xe đa dụng 6 – 9 chỗ.
Theo Toyota, trọng tâm của họ và nhiều liên doanh khác thuộc VAMA chính là sản xuất các dòng xe đa dụng. Đó cũng là lý do trong hơn hai năm vừa qua, Toyota luôn tìm cách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa đối với mẫu xe bán chạy nhất Innova. Cùng với đó, Toyota cũng lên kế hoạch để tung ra nhiều mẫu xe đa dụng khác và trước mắt sẽ là mẫu xe Fortuner.
Đồng quan điểm với các hãng xe, Bộ Công Thương cũng xác định các dòng xe đa dụng phải là trọng tâm của công nghiệp ôtô Việt Nam. Theo ông Ngô Văn Trụ, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), các dòng xe đa dụng không chỉ phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân mà còn dễ làm hơn so với các dòng xe du lịch dưới 6 chỗ ngồi.
Cũng từ quan điểm đó, trước khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Quốc hội thông qua, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các mức thuế tiêu thụ đặc biệt ưu tiên cho các loại xe từ 6-9 chỗ với mức thấp hơn 10% so với mức quy định tại dự thảo luật. Tuy nhiên, các mức thuế cuối cùng đã không ưu tiên cho các dòng xe đa dụng 6 – 9 chỗ.
“Trong tương lai, chúng tôi hy vọng Chính phủ có thể xem xét lại các chính sách và việc thực hiện của mình để giúp tạo nên môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh tại Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng vào một chính sách nhất quán và dài hạn cho ngành ôtô, tập trung cấp cơ sở hạ tầng và thúc đẩy việc đầu tư vào các công nghệ sạch và hợp lý cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của công nghiệp ôtô Việt Nam”, ông M. Pease bày tỏ quan điểm.
Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống áp dụng từ 1/4/2009 | ||||
Loại xe | Dung tích (cm3) | Thuế mới (%) | Thuế cũ (%) | Tác động giá xe (%) |
5 chỗ trở xuống | Từ 2.000 trở xuống | 45 | 50 | Giảm 3% |
Trên 2.000 - 3.000 | 50 | Không đổi | ||
Trên 3.000 | 60 | Tăng 7% | ||
6-9 chỗ | Từ 2.000 trở xuống | 45 | 30 | Tăng 12% |
Trên 2.000 - 3.000 | 50 | Tăng 15% | ||
Trên 3.000 | 60 | Tăng 23% |