September 29, 2021 | 09:59 GMT+7

Công nghiệp vẫn tăng trưởng nhờ “lực kéo” của ngành chế biến, chế tạo

Mạnh Đức -

Trong 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,05% (quý I tăng 8,9%; quý II tăng 13,35%; quý III giảm 3,24%)…

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/09/2021, sản xuất công nghiệp trong quý 3/2021 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa phương có khu công nghiệp lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý 3/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 6,29%; quý 2 tăng 11,18%; quý 3 giảm 3,5%).

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,05% (quý 1 tăng 8,9%; quý 2 tăng 13,35%; quý 3 giảm 3,24%); ngành khai khoáng giảm 7,17% do sản lượng khai thác dầu thô giảm 6% và khí đốt tự nhiên dạng khí giảm 17,6%.

Chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: kim loại tăng 28,4%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 7,7%; trang phục tăng 4,8%; da và các sản phẩm có liên quan tăng 4,5%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 3,4%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 2%.

Chiều ngược lại, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành giảm là khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12,4%; đồ uống giảm 4,2%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 2,2%; phương tiện vận tải khác giảm 1,9%; hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 1,1%.

Trong 9 tháng qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chỉ số sản xuất của một số địa phương giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, TP.HCM giảm 12,9%; Bến Tre giảm 11,2%; Đồng Tháp giảm 9,9%; Cần Thơ giảm 9,8%; Khánh Hòa giảm 9,5%; Trà Vinh giảm 7,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 5,3%; Vĩnh Long giảm 4,5%.

Công nghiệp vẫn tăng trưởng nhờ “lực kéo” của ngành chế biến, chế tạo - Ảnh 1

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm, gồm: Ninh Thuận tăng 32,6%; Đắk Lắk tăng 25%; Hải Phòng tăng 19,7%; Nghệ An tăng 18,3%; Gia Lai tăng 17,4%; Hà Tĩnh  tăng 16,6%; Thanh Hóa tăng 15,3%; Quảng Ngãi tăng 14,9%; Hà Nam tăng 14,4%; Bình Phước tăng 14%.

Công nghiệp vẫn tăng trưởng nhờ “lực kéo” của ngành chế biến, chế tạo - Ảnh 2

Trong 9 tháng năm 2021, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: linh kiện điện thoại tăng 43,6%; thép cán tăng 43,3%; ô tô tăng 18,6%; xăng dầu các loại tăng 16,1%; khí hóa lỏng LPG tăng 15,7%; sắt, thép thô tăng 12,4%; sữa bột tăng 10,3%; giày, dép da tăng 9,4%; phân hỗn hợp NPK tăng 9,2%.

Tuy nhiên, vẫn có một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước là tivi các loại giảm 35,9%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 17,6%; thủy hải sản chế biến giảm 8,8%; bia các loại giảm 8,7%; đường kính giảm 8,3%; thức ăn cho thủy sản giảm 7,2%; dầu mỏ thô khai thác giảm 6%.

Về chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2021 tăng 12,4% so với tháng trước và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính tại thời điểm 30/9/2021, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 28,2% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 24,3%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2021 là 81,1% (cùng kỳ năm trước là 75,6%).

Liên quan đến tình hình lao động, báo cáo cũng chỉ rõ, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/09/2021 tăng 1,5% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 13,9% so với cùng thời điểm năm trước.

Trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước không đổi và giảm 5,8%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,4% và giảm 16,1%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,8% và giảm 14,2%.

Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,2% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,6% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,7% và giảm 14,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 0,1% và tăng 1,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2% và giảm 2,3%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate