August 25, 2021 | 11:39 GMT+7

Công nghiệp vật liệu ì ạch, quá phụ thuộc vào nhập khẩu

Song Hà -

Các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu chưa đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất trong nước và xuất khẩu. Điều này dẫn tới phải nhập khẩu với tỷ trọng vật liệu công nghiệp quá nhiều từ nước ngoài ..

Hướng tới sản xuất vải, xơ, sợi có tính cạnh tranh cao.
Hướng tới sản xuất vải, xơ, sợi có tính cạnh tranh cao.

Số liệu thống kê cho thấy, 7 tháng năm 2021, nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu đạt 92,01 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ và chiếm 48,9% cơ cấu hàng nhập khẩu.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là thị trường Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản.

Trong khi đó, Việt Nam có nhiều điều kiện cần và đủ cho phát triển công nghiệp vật liệu. Cụ thể, gần 60% dân số ở độ tuổi lao động (17-60 tuổi), chi phí cho lao động tương đối thấp so với các quốc gia trong khu vực (ước tính chỉ bằng 1/3 so với Ấn Độ và 1/2 so với Trung Quốc).

Đặc biệt, Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ và học tập các kiến thức quản lý và đào tạo nhân lực để phát triển các ngành công nghiệp vật liệu.

Bên cạnh đó, với đa dạng tài nguyên khoáng sản quan trọng cần thiết để phát triển công nghiệp vật liệu như quặng sắt, quặng bauxite, quặng cromit, đất hiếm, titan, rutin, barit, ilmenit...

Lý do nhập khẩu lớn nhóm hàng này cũng như Việt Nam chưa phát triển mạnh công nghiệp vật liệu, theo Bộ Công Thương, do các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu nước ta chưa đáp ứng các thị trường sản xuất trong nước và xuất khẩu. Sản xuất nội địa thiếu tính tự chủ, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi giá trị ở nước ngoài.

Điều này càng rõ khi đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước do tác động của dịch bệnh Covid-19 càng khiến các ngành công nghiệp nội địa bị ảnh hưởng nặng nề.

 
Ngành công nghiệp vật liệu còn rất nhiều hạn chế về công nghệ, vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao..., đặc biệt cho các ngành vật liệu kỹ thuật cao và vật liệu mới. Sức ép cạnh tranh lớn với các sản phẩm nhập khẩu, nhất là sau khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực.

Do đó, Bộ Công Thương nhận định, cần xác định phát triển công nghiệp vật liệu là một trong những yếu tố then chốt để nâng cao tính tự chủ cho nền kinh tế.

Từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phát triển công nghiệp vật liệu từng bước đáp ứng nguyên, nhiên, vật liệu cung ứng cho các thị trường sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu nguyên, vật liệu công nghiệp.

Phát triển thị trường sản xuất công nghiệp vật liệu Việt Nam có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu cho sản xuất một số ngành-lĩnh vực công nghiệp, như: năng lượng; cơ khí chế tạo; máy động lực; tàu biển; giàn khoan; ô tô, xe máy; linh kiện, điện tử; dệt may-da giày; vật liệu công nghiệp cho xây dựng cơ sở hạ tầng …

Cụ thể, với ngành thép, phát triển thị trường công nghiệp sản xuất vật liệu gang, vật liệu thép chất lượng cao với công nghệ tiên tiến để có nhiều sản phẩm gang các loại, sản phẩm thép các loại có mã số, tiêu chuẩn ISO trong nước và quốc tế, sản phẩm có năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thậm chí, còn phải vươn tới đáp ứng cho các ngành công nghiệp chế tạo: máy động lực, thuỷ điện, giàn khoan, tàu biển, tham gia chuỗi sản xuất công nghệ cao, công nghiệp vũ trụ, công nghiệp hàng không, quốc phòng...

Phát huy lợi thế với trữ lượng lớn trên 11 tỷ tấn tài nguyên bauxite nhôm của Việt Nam lớn thứ hai của thế giới, sản xuất hợp kim nhôm, phát triển công nghiệp vật liệu bauxite-alumin và hợp kim nhôm nhằm đáp ứng đủ cho nhu cầu của các ngành công nghiệp trong nước và xuất khẩu.

Với công nghiệp vật liệu dệt – may, hướng tới sản xuất sản phẩm vật liệu dệt may (vải, xơ, sợi) có tính cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đảm bảo phát triển ổn định và bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản phẩm vật liệu dệt may cho sự phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp quốc phòng của đất nước.

Vonfram là tài nguyên kim loại quí hiếm nhất của thế giới, trữ lượng tài nguyên này của Việt Nam lớn thứ nhì thế giới chỉ sau Trung Quốc là vật liệu sử dụng cho công nghiệp điện tử công nghệ cao, vũ trụ, quốc phòng...

Vì vậy cần được quản lýtổ chức khai thác, chế biến sâu ra sản phẩm hợp kim có giá trị kinh tế kỹ thuật cao...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate