July 26, 2022 | 15:26 GMT+7

Công nhân vay tín dụng đen, lãnh đạo doanh nghiệp bị “khủng bố” bằng tin nhắn

Chu Khôi -

Thời gian gần đây, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản bỗng dựng phải nhận các cuộc điện thoại hoặc tin nhắn vô cớ từ các cá nhân không quen biết, với nội dụng đe dọa, uy hiếp, yêu cầu trả nợ hoặc ép công nhân trả nợ. Trong khi, các “khoản nợ” đó không liên quan gì tới doanh nghiệp…

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thủy sản bị tín dụng đen quấy nhiễu.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thủy sản bị tín dụng đen quấy nhiễu.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa cho biết đã gửi công văn đến Cục An ninh Kinh tế (A04) – Bộ Công an về việc các cá nhân (được cho là từ các tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng cá nhân) quấy nhiễu, đe dọa và bôi nhọ lãnh đạo nhiều doanh nghiệp thủy sản.

Theo VASEP, gần đây Văn phòng VASEP nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp thành viên về việc lãnh đạo của doanh nghiệp bị quấy nhiễu, đe dọa và bôi nhọ một cách trắng trợn, công khai (qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội…) từ các cá nhân không quen biết, được cho là từ các tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng cá nhân, ảnh hưởng nặng nề và tiêu cực đến các doanh nghiệp, tâm lý lãnh đạo doanh nghiệp cũng như trật tự xã hội.

Theo phản ánh và tự tìm hiểu ban đầu của các doanh nghiệp, nguyên nhân xảy ra tình trạng này là trong hơn 2 năm qua, dịch vụ vay tiêu dùng nhanh có dấu hiệu thịnh hành ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu long, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Các công ty, tổ chức tín dụng cho vay cá nhân thông qua “App” trên smartphone hoặc chỉ cần một cú nhấp chuột, với nhiều thông tin quảng cáo hấp dẫn, lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của người lao động để dụ dỗ, lôi kéo cho vay.

Nhiều trường hợp người lao động sau đó rơi vào nợ nần hoặc chậm trả vì nhiều lý do là nguồn cơn để “xuất hiện các cá nhân” gây áp lực đòi nợ, đe dọa tới không chỉ người lao động đó, các người thân, bạn bè mà đặc biệt là tới lãnh đạo các doanh nghiệp nơi người lao động làm việc bằng những lời nói và cách thức quấy nhiễu, đe dọa và xúc phạm kém văn minh nhất khi mà bản thân lãnh đạo doanh nghiệp không hề biết và không liên quan đến giao dịch dân sự vay hay cho vay kia.

“Khi các công nhân, người lao động không trả được nợ, các cá nhân (được cho là từ các công ty, tổ chức tín dụng cho vay) đã thực hiện gọi điện và nhắn tin liên tục, đe dọa, quấy nhiễu, chửi bới đến Ban giám đốc, công đoàn đến các phòng ban của Công ty mà người lao động đang làm việc”, VASEP phản ánh.

 

"Các cá nhân cho vay tiêu dùng cá nhân còn lên các mạng xã hội bôi nhọ công ty, cắt ghép hình ảnh của lãnh đạo công ty và lan truyền thông tin như đang truy tìm đối tượng lừa đảo, thậm chí tung tin lãnh đạo công ty đã chết…."

Trích công văn phản ánh cùa VASEP.

Các thủ đoạn này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, làm xáo trộn cuộc sống và gia đình người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

“Mặc dù thời gian qua, các doanh nghiệp đều đã phản ánh, báo cáo sự việc tới chính quyền tại các địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động, nhưng vấn nạn vẫn ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn. VASEP thấy rằng đây là một vấn nạn ngày càng có dấu hiệu phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp cũng như trật tự an toàn xã hội”, VASEP nhấn mạnh.

Việc quấy nhiễu, đe dọa và bôi nhọ đến người khác, đến lãnh đạo doanh nghiệp một cách công khai, trắng trợn không chỉ có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro đối với sự an toàn của các doanh nghiệp, tổ chức và người lao động. 

Vì những lý do hiện trạng trên, VASEP đề nghị Cục An ninh Kinh tế (Bộ Công An) hỗ trợ giải quyết cũng như hướng dẫn cụ thể cho Hiệp hội và doanh nghiệp về cách thức và địa chỉ báo cáo giải quyết vấn nạn nghiêm trọng này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate