Ngày 2/4, Tổng thống Trump đã công bố mức thuế đối ứng đối với các quốc gia trên thế giới với thông điệp rằng mức thuế đối ứng phản ánh các rào cản thương mại mà các nước này đã áp đặt lên hàng hóa Mỹ trong suốt thời gian qua, cũng như bao hàm cả yếu tố thao túng tiền tệ.
Theo đó, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia chịu mức thuế nhập khẩu cao nhất, lên đến 46%, cao hơn nhiều so với kịch bản xấu nhất mà thị trường dự đoán trước đây chỉ từ 15% - 20%.
Trước thông tin bất lợi về thuế quan, Thủ tướng Chính phủ đã họp khẩn với các bộ ngành cũng như đề xuất giảm pháp giảm thâm hụt thương mại, bảo vệ tăng trưởng xuất khẩu. Trước đó, ngày 31/3, Việt Nam cũng đã chủ động giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng của Mỹ như ethanol, LNG và hàng nông sản (gỗ, hạt dẻ, ngô, đậu tương,…) đồng thời tiến hành đàm phán với chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Trump.
Mặc dù, mức thuế cuối cùng được áp dụng cho Việt Nam sẽ thấp hơn 46%, song với con số ban đầu khá cao như vậy rất khó để đưa thuế đối ứng về mức như thị trường kỳ vọng trước đây.
Mức thuế suất nhập khẩu cao hơn sẽ tác động lên ba khía cạnh chính của nền kinh tế. Thứ nhất, sức cạnh tranh của các mặt hàng chú chốt của Việt Nam vào thị trường Mỹ như máy móc thiết bị, linh kiện điện tử, điện thoại, may mặc da giày,… sẽ bị suy giảm, trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh trực tiếp có mức thuế thấp hơn đáng kể như Trung Quốc (34%), Ấn Độ (26%); Thái Lan (37%),…
Thứ hai, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng là nước chịu mức thuế đối ứng cao nhất, điều sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI sản xuất đang dịch chuyển vào Việt Nam theo chiến lược Trung Quốc +1. Thứ ba, tỷ giá sẽ chịu thêm sức ép do Việt Nam cần phải tăng cường nhập khẩu từ Mỹ nhằm thu hẹp thặng dư Thương mại với nước này.
Thị trường chứng khoán Việt Nam phản ứng tiêu cực trước “cú sốc” thuế đối ứng khi chỉ số VN-Index có phiên giao dịch giảm mạnh nhất lịch sử với mức -6.68% trong ngày 3/4/2025. Đà giảm tiếp tục kéo dài sang ngày 4/4, với tổng mức giảm 107 điểm. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục 6.800 nghìn tỷ đồng trong 2 ngày, nâng tổng giá trị bán ròng từ đầu năm đến nay lên xấp xỉ 35,5 nghìn tỷ đồng.
Với quan điểm thuế suất cuối cùng được áp dụng cho Việt Nam khó về mức thấp như kỳ vọng, MBS hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đạt từ mức 18% - 19% xuống còn 16% - 16,5% cho giai đoạn 2025 – 2026. Đồng thời, hạ định giá của thị trường xuống mức 12,5 lần PE forward từ mức 13 lần PE forward trước đây, nhằm phản ánh các rủi ro về sự chuyển dịch của dòng vốn nước ngoài.
Tổng hợp các yếu tố trên, MBS hạ dự báo mục tiêu VN-Index xuống mức 1.350 – 1.380 trong năm 2025, từ mức 1.400 – 1.420 trước đây. Nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách hỗ trợ tích cực, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thấp kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái vẫn là các yếu tố đảm bảo cho sự tăng trưởng của chỉ số VN-Index trong năm 2025.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi của FTSE trong năm 2025 cũng như MSCI trong năm 2026.
Trong ngắn hạn, thị trường sẽ khó có nhịp phục hồi nhanh chóng. Ngoài dư âm của thuế đối ứng, MBS còn nhận thấy một số yếu tố rủi ro tác động đến thị trường trong ngắn hạn.
Ở bối cảnh thế giới, thị trường chứng khoán Mỹ đang bước vào giai đoạn điều chỉnh khi đà bán tháo các cổ phiếu công nghệ vẫn chưa chấm dứt. Với tác động kém tích cực từ chính sách thuế quan, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn được dự báo sẽ duy trì xu hướng giảm trong 2 tháng tới.
Về yếu tố mùa vụ, tháng 4 – tháng 5 cũng đồng thời là thời điểm “vùng trống thông tin”, không có thông tin tích cực hỗ trợ, vì vậy diễn biến thị trường thế giới sẽ tác động đến chỉ số VN-Index lớn hơn.
Ở bối cảnh trong nước, tỷ giá vẫn là rủi ro lớn nhất, gây áp lực lên thị trường trong suốt nửa đầu năm. Sau thông tin thuế đối ứng tỷ giá USD/VND liên ngân hàng bật tăng lên mức gần 25.800 tăng 1,3% so với đầu năm, tỷ giá tự do cũng áp sát ngưỡng 26.000, cao nhất từ đầu năm đến nay.