Nước Nga đang đối mặt với nguy cơ phải hứng chịu những đòn trừng phạt nặng nề hơn từ phương Tây sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký hiệp ước đón nhận Crimea. Các doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Nga cũng đang lo ngại về khả năng bị trả đũa tại thị trường này.
Tin từ Bloomberg cho hay, khoảng 100 giám đốc điều hành (CEO) thuộc tổ chức Bàn tròn Doanh nghiệp (Business Rountable) của Mỹ dự kiến sẽ có cuộc gặp trong ngày hôm nay (19/3) tại Washington với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước này Chuck Hagel. Ông John Engler, Chủ tịch của tổ chức này, nói rằng, chắc chắn, vấn đề các lệnh trừng phạt sẽ là một chủ đề “nóng” trong cuộc gặp.
“Các CEO đều rất quan ngại trước những gì đang diễn ra ở Nga”, ông Engler nói. “Đối với một số công ty, Nga là một thị trường quan trọng của họ. Họ đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ để xác định xem điều gì có thể xảy ra tiếp theo và họ sẽ phải làm gì”.
“Họ sẽ đánh lại”
Theo một báo cáo năm 2013 của công ty kiểm toán Earnst & Young, các công ty Mỹ hiện giữ vai trò là nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Nga, chủ yếu trong các lĩnh vực công nghệ và tài chính. Mối quan tâm của các doanh nghiệp đối với thị trường Nga đã gia tăng kể sau khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2012.
GE Capital Aviation Services, một công ty con của tập đoàn General Electric (GE), đồng thời là công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới, hiện đang có 54 máy bay ở Nga. “Chúng tôi đang theo sát tình hình ở Nga”, phát ngôn viên Dan Whitney của công ty này cho biết. Theo thông tin trên website của GE, chi nhánh tập đoàn này tại Nga có 3.400 nhân viên và đạt doanh thu 2,5 tỷ USD trong năm 2012.
Đối với các công ty, nếu Mỹ áp thêm lệnh trừng phạt lên Nga, thì hai rủi ro có thể xảy ra. Một là Nga có thể trả đũa bằng cách trừng phạt các lợi ích của Mỹ, và hai là người Nga có thể chống lại các công ty Mỹ.
“Chúng tôi rất lo bị trả đũa”, ông William Reinsch, Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Quốc gia Mỹ, nói. “Người Nga đã thể hiện khá rõ ràng rằng, nếu Mỹ làm gì họ, họ sẽ đánh lại”. Ông Reinsch cho biết đã nhận được các cuộc gọi từ các công ty năng lượng, công nghệ và tài chính bày tỏ lo ngại về triển vọng các khoản đầu tư và doanh số của họ tại Nga.
“Người Nga đã chứng minh là họ rất giỏi trong việc gây khó dễ cho chúng tôi” mà không ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của họ - ông Reinsch nói. Vì lý do này, ông Reinsch nhận định, việc Nga chiếm các tài sản nước ngoài ở nước này, chẳng hạn các cơ sở khai thác dầu, là khó xảy ra.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Rex Tillerson của hãng dầu lửa Exxon Mobil hôm 5/3 nói rằng, công ty này sẽ không đứng về bên nào trong cuộc xung đột Nga-Ukraine hay bất kỳ mâu thuẫn địa chính trị nào khác. Nga hiện là thị trường triển vọng về thăm dò dầu khí lớn nhất của Exxon ngoài Mỹ, và hãng này cũng đã xin phép nhà chức trách Ukraine được khoan tìm dầu trên vùng Biển Đen ngoài khơi bán đảo Crimea.
Một quan chức thuộc Bộ Tài chính Mỹ cho biết, cơ quan này đã lắng nghe nhiều doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Nga bày tỏ sự quan ngại. Theo vị này, lẽ ra các công ty đang làm ăn ở Nga phải biết trước được những rủi ro khi rót vốn vào đó.
Công cụ năng lượng
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua nói rằng, việc Nga chiếm Crimea là một hành động “không khác gì cướp đất”. Phát biểu trước báo giới ở Ba Lan, ông Biden tuyên bố Nga sẽ phải đón nhận thêm các đòn trừng phạt mới vì hành động này. Trước đó, Mỹ và châu Âu đã áp lệnh cấm visa và đóng băng tài sản đối với một loạt quan chức Nga, Urkraine và Crimea.
Hai tổ chức thương mại có trụ sở ở Washington là Hội đồng Thương mại Mỹ - đại diện cho 3 triệu doanh nghiệp - và Hiệp hội Quốc gia các nhà sản xuất (NAM), đều nhấn mạnh tầm quan trọng của các lệnh trừng phạt đa quốc gia nhằm vào Nga. “Cách giải quyết đơn độc của Mỹ có thể sẽ gây thiệt hại về kinh tế và không hiệu quả trong việc đạt mục tiêu”, ông Myron Brilliant, một quan chức của Hội đồng Thương mại Mỹ, phát biểu.
NAM cho biết, họ đang thúc đẩy các nhà làm luật nước này phê chuẩn các cơ sở hạ tầng cho xuất khẩu khí hóa lỏng của Mỹ, từ đó giúp Tây Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga. Theo ông Jay Timmons, Chủ tịch NAM, xuất khẩu năng lượng “sẽ là một công cụ quan trọng của chính sách đối ngoại Mỹ”.
Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ở Nga cũng lo ngại rằng, Mỹ rốt cục sẽ áp các lệnh trừng phạt, tương tự như đối với Iran, gây hạn chế tiếp cận với hệ thống tài chính toàn cầu. Một khi Mỹ nhằm vào hệ thống ngân hàng của Nga, tình hình sẽ xấu đi nhiều.
Nga hiện là chủ nợ nước ngoài lớn thứ 9 của Mỹ, nắm giữ 131,8 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ tính đến tháng 1 năm nay. Theo nguồn tin thân cận, Bộ Tài chính Mỹ hiện vẫn chưa nhận thấy có động thái nào của Nga bán tháo nợ Mỹ. Nếu điều này xảy ra, thì cũng khó có ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu, và chỉ phản ánh sự yếu thế của Moscow trước áp lực quốc tế - nguồn tin nhận xét.
Bất chấp lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ở Nga nói chung, hãng đồ ăn nhanh Yum! Brands vẫn tỏ ra lạc quan. “Hoạt động kinh doanh của chúng tôi ở Nga hiện vẫn diễn ra mạnh mẽ. Chúng tôi chỉ quan tâm tới khách hàng và nhu cầu gà rán KFC ở Nga rất cao. Chúng tôi không quan tâm tới tình hình chính trị!”, một phát ngôn viên của Yums! Brands nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate