March 17, 2014 | 12:36 GMT+7

Khí đốt của Mỹ có “dọa” được Nga?

An Huy

Sở hữu nguồn tài nguyên khí đốt dồi dào, liệu Mỹ có thể giúp Ukraine và châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu từ Nga

Một số nhà quan sát tỏ ra nghi ngờ về việc nguồn cung khí đốt của Mỹ có 
thể có ảnh hưởng tức thời tới cục diện ở Ukraine trong trường hợp có 
những diễn biến theo thang mới.
Một số nhà quan sát tỏ ra nghi ngờ về việc nguồn cung khí đốt của Mỹ có thể có ảnh hưởng tức thời tới cục diện ở Ukraine trong trường hợp có những diễn biến theo thang mới.
Gần đây, đã có nhiều ý kiến cho rằng, Mỹ có thể dùng kho dự trữ khí tự nhiên khổng lồ của nước này để giành ưu thế trước Nga trong vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, theo trang CNBC, điều này có vẻ như nói dễ hơn làm.

Trong những ngày bất ổn chính trị gia tăng ở Ukraine và Nga tăng cường quân trên bán đảo Crimea của nước này, không ít người bày tỏ quan điểm ủng hộ Mỹ - quốc gia dự kiến đạt sản lượng 2.000 tỷ feet khối khí tự nhiên trong năm 2014 - sử dụng nguồn khí đốt dồi dào này để tạo đối trọng về ảnh hưởng toàn cầu với Nga.

Cơ sở của quan điểm này là, nguồn khí tự nhiên giá rẻ của Mỹ có thể được dùng để thay thế cho khí đốt Nga xuất khẩu sang Ukraine và Tây Âu.

Mặc dù vậy, một số nhà quan sát tỏ ra nghi ngờ về việc nguồn cung khí đốt của Mỹ có thể có ảnh hưởng tức thời tới cục diện ở Ukraine trong trường hợp có những diễn biến theo thang mới.

Không giống như ở Nga hay Trung Đông, ở Mỹ, các công ty tư nhân là đối tượng sở hữu và cung cấp khí đốt. Bởi thế, các nhà sản xuất thuộc khu vực tư nhân này nắm quyề ra quyết định đưa hàng tới đâu dựa trên các yếu tố thương mại như cung, cầu, và giá cả, thay vì tình hình địa chính trị.

“Về bản chất, Chính phủ Mỹ không không thể đưa ra các yêu cầu bắt buộc đối với các công ty thuộc khu vực tư nhân”, ông Tim Boersma, một chuyên gia thuộc viện nghiên cứu Brookings Institution, nói. “Hiếm có một ví dụ nào trong đó Chính phủ Mỹ cấm các công ty tư nhân bán một sản phẩm nào đó ở một nơi nào đó như trường hợp Iran”, ông Boersma nói. Theo chuyên gia này, việc Chính phủ Mỹ yêu cầu một công ty tư nhân phải bán hàng giá rẻ hơn ở nơi này so với nơi khác cũng là phi thực tế.

Trong khi đó, dù cuộc cách mạng phát triển lĩnh vực năng lượng của Mỹ đã diễn ra được 5 năm, cơ sở hạ tầng khí đốt của nước này vẫn còn kém phát triển, với chỉ 200 đường ống đang hoạt động. Con số này là khiêm tốn nếu so với hệ thống ống dẫn khí đốt rộng lớn của Nga, trong đó có nhiều đường ống chạy qua Ukraine, và cung cấp 1/3 nhu cầu khí đốt của đại lục châu Âu.

Ngoài ra, còn có một vấn đề khác về quy mô. Theo cuốn World Factbook của CIA, năm 2012, Nga xuất khẩu gần 200 tỷ feet khối khí tự nhiên, dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này. Qatar là quốc gia đứng thứ nhì, với 114 tỷ feet khối khí được xuất khẩu. Trong khi đó, Mỹ chỉ xuất khẩu được 46 tỷ feet khối khí.

Tuy nhiên, theo ông William Frohnhoefer, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu BTIG, Mỹ không cần phải thay thế tất cả nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho các nước châu Âu, mà chỉ cần đủ để gửi cho Moscow một thông điệp mạnh mẽ. “Chỉ cần cho Nga thấy, Ukraine có lựa chọn thay thế, là được”, ông Frohnhoefer nói.

Nền kinh tế Nga phụ thuộc mạnh mẽ vào nguồn thu từ xuất khẩu khí đốt, và điều này có thể giúp châu Âu đảo ngược cán cân quyền lực. “Nếu Ukraine và các quốc gia khác phụ thuộc vào Nga về khí đốt có thể giảm sự phụ thuộc này bằng cách dũng cảm tìm kiếm các nguồn cung cấp khác, thì đó sẽ là Mỹ”, ông Frohnhoefer nhận xét.

Hiện nay, Mỹ đang có 20 công ty chờ Chính phủ liên bang phê chuẩn về cơ sở xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Bộ Năng lượng Mỹ đã phê chuẩn 4 cảng xuất khí hóa lỏng mới trong vòng 1 năm qua, một tốc độ bị cho là quá chậm chạp.

Thị trường ban đầu cho khí đốt của Mỹ chủ yếu là các quốc gia đã ký thỏa thuận tự do thương mại với nước này - điều mà Ukraine và các quốc gia châu Âu khác còn thiếu, cho dù hãng tư vấn Earnst & Young cho rằng, Bộ Thương mại Mỹ có thể quyết định phê chuẩn việc xuất khẩu khí đốt sang các quốc gia chưa có thỏa thuận tự do thương mại với Mỹ.

Theo dự kiến, khoảng 80% lượng xuất khẩu LNG của Mỹ trong vài năm tới sẽ có đích đến là châu Á - khu vực hiện đang là thị trường lớn nhất cho các nhà sản xuất khí đốt của Mỹ.

Hiện nền kinh tế trì trệ của Ukraine chưa thể thanh toán được khoản tiền 2 tỷ USD mua khí đốt của tập đoàn quốc doanh Nga Gazprom. Theo ông Kartik Misra, nhà phân tích cấp cao thuộc công ty Energy Intelligence, nhìn vào đó, các công ty Mỹ khó có thể xem Ukraine là một đích đến đầu tư phù hợp.

“Vấn đề nằm ở chỗ, Ukraine không đủ khả năng để trả tiền mua khí đốt”, ông Misra nói. Theo nhà phân tích này, Kiev “đã có lịch sử không tốt về trả nợ mua khí đốt. Cho dù các công ty Mỹ có bán khí đốt cho Ukraine, thì họ cũng không trả nổi tiền”.

Ông Misra cũng nhấn mạnh, ít nhất phải tới năm 2016 thì xuất khẩu khí đốt của Mỹ mới tăng mạnh so với mức hiện nay. Và như thế có thể sẽ là quá muộn để giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine.

“Thời gian giữ vai trò rất quan trọng trong vấn đề này. Xuất khẩu khí đốt của Mỹ chưa chắc đã giúp gì được cho Ukraine”, ông Misra nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate