November 23, 2022 | 11:12 GMT+7

Covid-19 bùng mạnh, Trung Quốc nâng phong toả lên mức kỷ lục

Hoài Thu -

Thời gian gần đây, số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc tăng kỷ lục, buộc các nhà chức trách nước này một lần nữa phải đưa nhiều khu vực rộng lớn vào diện phong tỏa...

Người dân xếp hàng tại một điểm xét nghiệm Covid ở Bắc Kinh - Ảnh: Getty Images
Người dân xếp hàng tại một điểm xét nghiệm Covid ở Bắc Kinh - Ảnh: Getty Images

Ngày 22/11, Trung Quốc ghi nhận gần 28.000 ca nhiễm Covid mới với các ổ dịch bùng phát mạnh ở thủ đô Bắc Kinh, Quảng Châu - trung tâm sản xuất ở phía Nam và Trùng Khánh - thành phố trực thuộc trung ương ở phía Tây Nam.

Tại Bắc Kinh, số ca nhiễm mới tăng đột biến khiến chính quyền thành phố yêu cầu đóng cửa hầu hết các cơ sở kinh doanh không thiết yếu tại Triều Dương - quận lớn nhất của thành phố với 3,4 triệu dân. Chính quyền cũng đóng cửa các nhà hàng và địa điểm giải trí khác tại phần lớn khu vực của thành phố và yêu cầu người dân làm việc tại nhà.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Bắc Kinh cho biết thủ đô đang đối mặt với bối cảnh dịch bệnh “phức tạp và thách thức nhất” kể từ đầu đại dịch. Trong khi đó, Bí thư thành ủy Bắc Kinh Yin Li đầu tuần này tái khẳng định tiếp tục kiên định với chính sách Zero Covid.

“Chúng ta phải quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc chiến ngăn chặn và kiểm soát đại dịch, giành chiến thắng trong cuộc chiến phong tỏa và tiêu diệt dịch bệnh”, ông Yin nói trong bài phát biểu được truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải hôm 21/11.

Số ca nhiễm ngày càng mạnh khiến nhiều tòa nhà chung cư tại Bắc Kinh buộc phải cách ly và cả quan chức lẫn người dân thành phố đều rơi vào trạng thái căng thẳng. Một quan chức ở Shilipu, một khu dân cư ở Bắc Kinh cho biết ông và 9 đồng nghiệp đang phải chật vật để phục vụ hơn 7.000 hộ gia đình đang cách ly tại nhà ở khu vực này.

Số ca nhiễm mới ghi nhận theo ngày qua các tháng tại Trung Quốc - Nguồn: Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc/Financial Times, dữ liệu tính tới ngày 22/11.
Số ca nhiễm mới ghi nhận theo ngày qua các tháng tại Trung Quốc - Nguồn: Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc/Financial Times, dữ liệu tính tới ngày 22/11.

Trong khi đó, tại Trùng Khánh, một điểm nóng Covid khác ở Trung Quốc, sự xuất hiện của Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan - người nổi tiếng với cách tiếp cận hà khắc trong chống dịch - hôm 21/11 đã khiến người dân hoảng loạn và đổ xô mua hàng hóa tích trữ do lo ngại thành phố sẽ bị phong tỏa cứng kiểu Thượng Hải trước đây.

“Dù đã tích trữ thực phẩm đủ dùng cho 10 ngày trong tủ lạnh, tôi vẫn cảm thấy chưa yên tâm”, ông Dave Yin, một chủ doanh nghiệp ở Trùng Khánh chia sẻ. “Tôi đã mua thêm 5 cân thịt lợn và 6 mớ rau để đề phòng”.

Trùng Khánh đang khẩn trương xây dựng các bệnh viện dã chiến để cung cấp thêm hơn 43.00 giường bệnh, bên cạnh khoảng 17.000 giường bệnh ở 3 bệnh viện của thành phố.

Còn Quảng Châu, nơi cũng đang bùng dịch nghiêm trọng, tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao, với 8.210 ca riêng trong ngày 21/11. Thành phố này đã cố gắng kiểm soát dịch bệnh lây lan mà không phải phong tỏa cả thành phố nhưng ngày 21/11, Baiyun - quận lớn nhất của Trùng Khánh với 3,8 triệu dân, đã buộc phải thông báo phong tỏa trong 5 ngày. Trước đó, quận Haizu ở phía Nam Trùng Khánh - nơi có nhiều nhà máy may mặc - cũng đã bị phong tỏa và gia hạn thời gian phong tỏa nhiều lần.

“Trung Quốc đang chứng kiến các biện pháp phong tỏa ở mức kỷ lục”, ông Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng Nomura, nhận xét. “Tình trạng phong tỏa hiện tại thậm chí còn nghiêm ngặt hơn so với các đợt phong tỏa ở Thượng Hải hồi mùa xuân bởi có rất nhiều thành phố đang bị phong tỏa một phần”.

Theo Financial Times, cuộc chiến chống Covid-19 tại Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế nước này, gây gián đoạn chuỗi ung ứng toàn cầu và đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới.  Một loạt các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 đang tiếp tục gây khó khăn cho nền kinh tế nước này. Doanh số bán lẻ tháng 10 của Trung Quốc giảm 0,5%, trong khi sản lượng công nghiệp tiếp tục giảm.

Bản đồ thể hiện số ca nhiễm ghi nhận trong ngày 22/11 theo từng khu vực tại Trung Quốc - Nguồn: Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc/Financial Times
Bản đồ thể hiện số ca nhiễm ghi nhận trong ngày 22/11 theo từng khu vực tại Trung Quốc - Nguồn: Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc/Financial Times

Nomura ước tính các biện pháp hạn chế phòng dịch đang ảnh hưởng tới các khu vực đóng góp khoảng 20% GDP của Trung Quốc. Trước đó, các đợt phong tỏa ở Thượng Hải đã khiến tăng trưởng GDP quý hai của nước này chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Gần ba năm sau khi dịch Covid lần đầu được phát hiện tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, tỷ lệ tiêm vaccine ở nhóm đối tượng dễ bị tổn thương tại Trung Quốc đang ở mức thấp hơn so với nhiều nước giàu. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh tiếp tục sử dụng biện pháp phong tỏa làm phương thức chủ yếu để kiểm soát dịch bệnh, dù hầu hết các quốc gia trên thế giới đã nới lỏng hoặc gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Các biện pháp phong tỏa và hạn chế ngày càng nghiêm ngặt trên toàn quốc ở Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh chỉ chưa đầy hai tuần trước, các tín hiệu về việc nới lỏng hạn chế phòng dịch đã giúp thị trường chứng khoán nước này phục hồi mạnh. Tuy nhiên, từ đó đến nay, số ca nhiễm mới ngày càng tăng đã đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư. Các doanh nghiệp từng kỳ vọng vào cú hích tăng trưởng nhờ việc mở cửa trở lại thì nay lo rằng nền kinh tế sẽ bị gián đoạn hơn nữa do phong tỏa.

Chỉ số CSI 300 gồm các cổ phiếu hạng A trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến đi ngang trong phiên giao dịch ngày 22/11, nhưng đã giảm hơn 2,5% so với thời điểm thị trường lạc quan về việc nền kinh tế mở cửa trở lại hồi tuần trước. Tính từ đầu năm, chỉ số này đã giảm khoảng 25%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate