November 16, 2022 | 11:26 GMT+7

Trung Quốc được dự báo chỉ tăng trưởng 3,3% năm nay, đe dọa kinh tế toàn cầu

Trang Linh -

Theo số liệu công bố ngày 14/11 của Tổng Cục Thống kê Trung Quốc, tổng doanh thu bán lẻ tháng 10 của nước này giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 5...

Từ đầu tháng tới ngày Lễ Độc thân (11/11) - ngày hội mua sắm trực tuyến hàng đầu Trung Quốc - số lượng đơn hàng giao tận nơi đã giảm 11% so với cùng giai đoạn năm 2021 - Ảnh: Reuters
Từ đầu tháng tới ngày Lễ Độc thân (11/11) - ngày hội mua sắm trực tuyến hàng đầu Trung Quốc - số lượng đơn hàng giao tận nơi đã giảm 11% so với cùng giai đoạn năm 2021 - Ảnh: Reuters

Theo khảo sát mới nhất của QUICK FactSet với các nhà phân tích trong lĩnh vực tư, nền kinh tế Trung Quốc có thể chỉ tăng trưởng khoảng 3,3% theo giá trị thực. Điều này đồng nghĩa tăng trưởng sẽ thấp hơn đáng kể so với dự báo trước đó và đe dọa tới nền kinh tế toàn cầu.

Dự báo mới nhất này giảm 1,8 điểm phần trăm so với dự báo của các nhà phân tích trong khảo sát tương tự hồi đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,5% của Chính phủ Trung Quốc.

Các đợt phong tỏa chống dịch tại Thượng Hải hồi mùa xuân đã "phủ mây đen" lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Những tín hiệu ban đầu của sự phục hồi vừa nhen nhóm vào mùa hè một lần nữa bị dập tắt do các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt theo Zero Covid.

Theo số liệu công bố ngày 14/11 của Tổng Cục Thống kê Trung Quốc, tổng doanh thu bán lẻ tháng 10 của nước này giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 5. Trong đó, doanh thu của ngành công nghiệp nhà hàng, chiếm khoảng 10% tổng doanh thu bán lẻ, giảm khoảng 8,1% so với năm trước. Hàng điện tử tiêu dùng, quần áo cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Sang tháng 11, tiêu thụ tại quốc gia đông dân nhất thế giới tiếp tục suy yếu. Từ đầu tháng tới ngày Lễ Độc thân (11/11) - ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất năm tại Trung Quốc, số lượng đơn hàng giao tận nơi giảm 11% so với cùng giai đoạn năm 2021.

 

Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã tung ra một gói kích thích kinh tế khổng lồ, giúp duy trì tăng trưởng kinh tế trong nước và hỗ trợ đáng kể cho nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, tình hình hiện tại cho thấy không một quốc gia hay khu vực riêng lẻ nào có thể đảm nhiệm vai trò như của Trung Quốc lúc đó.

Nikkei Asia

Alibaba Group Holding, công ty khởi xướng ngày Lễ Độc thân, đã không công bố số liệu doanh thu trong giai đoạn này - một hành động chưa có tiền lệ và kéo theo các nhà bán lẻ trực tuyến khác có động thái tương tự.

Trong khi đó, thị trường nhà ở tại Trung Quốc vẫn tiếp tục bất ổn do bị siết quản lý và được dự báo chưa thể phục hồi trong tương lai gần. Doanh thu nhà theo mét vuông tháng 10 tại nước này đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

Bất động sản chiếm khoảng 30% GDP của Trung Quốc. Trong khi đó, sự suy giảm của thị trường bất động sản kéo theo doanh thu èo uột của mặt hàng đồ gia dụng và nội thất, cũng như hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng.

Với vai trò là một động lực tăng trưởng quan trọng, sự suy yếu của Trung Quốc đang đe dọa nền kinh tế thế giới. Theo Nikkei Asia, từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 đến năm 2021, GDP toàn cầu tăng trưởng 90%. Trong giai đoạn này, nền kinh tế Trung Quốc mở rộng quy mô gấp 5,3 lần, đóng góp 31% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - đóng góp 10% vào tăng trưởng toàn cầu.

Tại Nhật, lần đầu tiên trong 2 năm, số lượng đơn hàng công cụ máy móc đã giảm trong tháng 10, theo Hiệp hội các nhà chế tạo công cụ máy móc Nhật Bản.

Mặt khác, nhu cầu suy giảm ở Trung Quốc rõ ràng đang ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa. Trên sàn giao dịch Singapore phiên ngày 1/11, giá hợp đồng tương lai quặng sắt kỳ hạn gần nhất có thời điểm sụt xuống dưới 80 USD/tấn, mức thấp chưa từng thấy từ tháng 2/2020.

Giá quặng sắt là một chỉ số hàng đầu thể hiện các điều kiện kinh tế của Trung Quốc bởi quốc gia này chiếm gần 70% khối lượng thương mại của mặt hàng này toàn cầu.

Giá năng lượng sau khi tăng vọt vào mùa hè cũng đang có dấu hiệu giảm xuống. Hợp đồng tương lai xăng dầu West Texas Middle (WTI) hiện dao động quanh mức 85 USD, giảm gần 40% so với mức đỉnh thiết lập ngay sau khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra cuối tháng 2 năm nay. Từ tháng 6 đến nay, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã giảm 4 tháng liên tiếp, cùng thời điểm giá dầu WTI bắt đầu có xu hướng giảm.

Trong khi đó, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay ở châu Á hiện đã giảm 60% so với mức đỉnh tháng 8. Việc Trung Quốc giảm nhập khẩu LNG đang gây áp lực với giá cả thị trường.

Trước đây, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã tung ra một gói kích thích kinh tế khổng lồ, giúp duy trì tăng trưởng kinh tế trong nước và hỗ trợ đáng kể cho nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, tình hình hiện tại cho thấy không một quốc gia hay khu vực riêng lẻ nào có thể đảm nhiệm vai trò như của Trung Quốc lúc đó.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate