July 13, 2021 | 07:24 GMT+7

Covid-19 có thực sự đáng lo không?

Hồ Quang Hưng -

Thực trạng Covid-19 tại TP.HCM với các ca nhiễm không ngừng tăng hình thành tâm lý lo ngại, căng thẳng, stress nơi người dân. Lo ngại bị nhiễm bệnh, lo ngại bị cách ly, lo bị kỳ thị… và cả nỗi lo bị chết đói. Thực tế virus SARS-CoV-2 có đáng sợ, tạo tâm lý hoảng loạn cho người dân người không?...

Tiêm vaccine là giải pháp tốt nhất phòng Covid-19.
Tiêm vaccine là giải pháp tốt nhất phòng Covid-19.

Thông tin hàng ngày trên các mặt báo về tình hình ca nhiễm không ngừng tăng, bệnh viện dã chiến quá tải, không còn giường bệnh; các khu cách ly quá đông không có nhân viên y tế hướng dẫn, chăm sóc; công nhân phá cổng nhà máy để tháo chạy vì sợ lây nhiễm Covid-19 từ đồng nghiệp… khiến người dân không khỏi hoang mang, lo sợ. 

Tuy nhiên, Covid-19 có thực sự đáng sợ? Thạc sĩ Hồ Quang Hưng, Chủ tịch Social Impact Foundation, trong bài viết gửi VnEconomy đã chia sẻ những ý kiến cá nhân của mình về vấn đề này.

COVID-19 KHÔNG THỰC SỰ ĐÁNG SỢ

Covid-19 biến chủng Delta lây lan cực kỳ nhanh trong thời gian qua ai cũng hiểu. Người nhiễm Covid-19 đa số không có triệu chứng, nhất là trong giai đoạn 14-21 ngày đầu tiên, nhưng vẫn có thể lây cho những người tiếp xúc.

 
Thạc sĩ Hồ Quang Hưng
Thạc sĩ Hồ Quang Hưng

"Sự hoảng loạn không giúp ích gì cho bản thân, và cũng không giúp gì được cho việc khống chế Covid-19. Một khi chúng ta bình tĩnh, mọi thứ được trật tự, thì sự lây lan sẽ chủ động được quản lý".

Đây là vấn đề mà nhiều người dân lo lắng nhất, vì không biết mình nhiễm bệnh, có thể lây cho người thân, đồng nghiệp, bạn bè; sợ điều kiện sinh hoạt trong khu cách ly không thể thoải mái như ở nhà; sợ sức khoẻ tinh thần ngày càng sa sút trong lúc cách ly… Rồi sợ tử vong khi tiêm vaccine, sợ ảnh hưởng gen di truyền sau khi tiêm vaccine… Tất cả những nỗi sợ trên vô hình dung đưa SARS-CoV-2 trở thành “sát thủ vô hình” quá khủng khiếp!

Thử xem trong con số thống kê về các ca nhiễm nhiều do tốc độ lây lan nhanh, có bao nhiêu ca tử vong? Con số này rất nhỏ so với tai nạn giao thông hay các loại bệnh lý khác. Do đó, không phải mắc Covid-19 là chết. Đa phần bệnh nhân sẽ khỏi bệnh trong vòng 1-3 tháng.

Covid-19 cho thấy cuộc sống mọi mặt của chúng ta vô cùng mong manh, dễ tổn thương, thật ra là không bền vững. Covid-19 có thể là một con virus rất mạnh, và cũng có thể là một con virus còn rất yếu so với rất nhiều loại virus khác nữa sẽ xuất hiện bất cứ lúc nào.

Nhiều người lo sợ nếu Covid-19 là virus mạnh. Nỗi sợ ở đây chính là sợ bị nhiễm bệnh, sợ lây cho người thân, bị đưa vào bệnh viện, sợ kỳ thị, sợ chết không có người thân bên cạnh… Nỗi sợ này là có thật, đang hiện diện, nhưng không quá như những gì chúng ta suy nghĩ. Cần phải triệt tiêu ngay những lo lắng này.

Tại sao phải lo sợ khi đa số các ca nhiễm đều có triệu chứng bình thường của bệnh cảm, rồi tự khỏi bệnh. Chỉ cần hạn chế lây bệnh hoặc làm chậm lại tốc độ lây bệnh sẽ càng ít người tử vong. Chìa khoá ở đây chính là năng lực tức thời của hệ thống y tế. Một khi có quá nhiều người bệnh cùng một lúc, thì cơ sở y tế quá tải (cả về cơ sở vật chất và đội ngũ y sĩ), người bệnh càng không được chăm sóc và điều trị đầy đủ. Ngay cả những người bị các loại bệnh khác thiếu chăm sóc, điều trị tốt cũng sẽ trở nặng, góp phần gia tăng tử vong (không do Covid-19).

NÂNG CAO Ý THỨC NGƯỜI DÂN ĐỂ HẠN CHẾ LÂY LAN COVID-19

Yếu tố khiến người dân lo lắng không kém việc bị nhiễm Covid-19 là tốc độ lây lan nhanh của biến chủng Delta. Vậy làm sao hạn chế được lây lan (cả về số lượng lẫn tốc độ)?

 

"Nói rằng chúng ta không lo sợ Covid-19 là điều không dễ dàng. Cần sự chung tay của tất cả mọi người cũng như sự thấu hiểu và khả năng điều hành của Chính phủ. Chúng ta cần phải học cách thích nghi và sống chung với Covid-19. Đừng oán trách sai lầm này sai lầm kia. Chúng ta đang chiến đấu với “kẻ thù vô hình”. Chiến thắng là điều chắc chắn 100% sẽ đến, nhưng chúng ta không nên chiến thắng với một tổn thất lớn mà với một tổn thất nhỏ nhất!".

Ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ TP.HCM.

Chúng ta cần ý thức cao về việc thực hiện các biện pháp phòng chống ngay từ đầu như 5K. Ngoài ra, chúng ta cần tập thói quen giao tiếp mới nhằm hạn chế sự tiếp xúc hằng ngày như: tăng cường giao tiếp từ xa (điện thoại, email, online...), rửa tay thường xuyên, chú ý triệu chứng của bản thân để tự cách ly sớm...

Một khi tất cả chúng ta đồng lòng (như việc đội mũ bảo hiểm) thì chắc chắn sự lây lan sẽ ít đi hoặc chậm đi. Chúng ta cần phải chú ý cân đối số lượng người mắc bệnh mới so với số lượng người khỏi bệnh trong vòng 1-3 tháng. Lúc đó, chúng ta sẽ yên tâm dù bản thân vẫn mắc bệnh sau khi thực hiện nhiều bện pháp phòng chống. Hệ thống y tế vẫn sẽ đầy đủ để chăm sóc cho chúng ta.

Đừng hoảng loạn như hiện nay. Sự hoảng loạn không giúp ích gì cho bản thân, và cũng không giúp gì được cho việc khống chế Covid-19. Một khi chúng ta bình tĩnh, mọi thứ được trật tự, thì sự lây lan sẽ chủ động được quản lý. Cùng nhau bảo vệ năng lực chữa trị của hệ thống y tế của chúng ta là chắc chắn sẽ ổn. Đầu tiên, không để ai bị lây bệnh "oan uổng" chỉ vì một phút thiếu hiểu biết và khủng hoảng của mình.

Bị hạn chế quyền tự do sẽ khiến mọi người bị ức chế, điều này dễ hiểu, nhưng chúng ta không nên quá lo lắng và hoảng loạn. Càng lo lắng, chúng ta càng bị bệnh tâm lý hơn. Hãy nghĩ về điều tích cực của Covid-19 và chấp nhận chúng, sống với chúng, chúng tới thì mình bình tĩnh chống chọi. Tinh thần lạc quan, dù có nhiễm Covid-19 thì sức đề kháng tự nhiên tăng, càng mau khỏi bệnh!

Sợ không thoải mái, bất tiện trong khu cách ly, hay trong bệnh viện? Điều này cần sự hy sinh và quyết tâm của mỗi người. Đừng quá câu nệ về điều kiện sống trước sinh mạng của chính bản thân và cả cộng đồng. Chính phủ hãy tận dụng tối đa những cơ sở vật chất tốt để tạo ra nhiều nhất có thể những khu cách ly tốt.

Chẳng hạn như cách ly F1 tại nhà, tận dụng các chung cư chưa người ở thành bệnh viện dã chiến cho F0, đưa lực lượng sinh viên ngành y dược vào điều dưỡng F0, đưa lực lượng thanh niên tình nguyện tập huấn và theo dõi F1... Như vậy, chúng ta tạm giải quyết ổn thoả chất lượng cách ly. Phần còn lại là do ý thức cộng đồng, chứ không còn là nỗi sợ nữa.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate