Giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 12 vừa qua, đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 2 năm rưỡi liên tục tăng. Cú giảm này diễn ra trong bối cảnh giá xăng và nhiều mặt hàng khác cùng đi xuống, và được xem là một dấu hiệu cho thấy lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở trong một xu hướng giảm bền vững.
Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 12/1 cho thấy CPI tháng 12 của Mỹ giảm 0,1% sau khi tăng 0,1% trong tháng 11. Đây là lần đầu tiên CPI của Mỹ giảm kể từ tháng 5/2020 - thời điểm nền kinh tế chấn động vì làn sóng lây nhiễm Covid-19 đầu tiên.
Trong cuộc khảo sát trước đó của hãng tin Reuters, các chuyên gia kinh tế dự báo CPI tháng 12 của Mỹ không thay đổi so với tháng trước. Còn trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, các chuyên gia dự báo CPI giảm 0,1%.
So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 12 tăng 6,5%, mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 10/2021 và giảm mạnh so với mức tăng 7,1% ghi nhận trong tháng 11, nhưng vẫn cao gấp hơn 3 lần so với mục tiêu lạm phát 2% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đề ra.
Lạm phát của Mỹ lập đỉnh ở mức 9,1% vào tháng 6, cao nhất kể từ tháng 11/1981, đến nay đã giảm được 2,6 điểm phần trăm sau 7 tháng đi xuống liên tiếp.
Áp lực giá cả dịu đi được cho là kết quả từ nỗ lực tăng lãi suất của Fed. Ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đã triển khai chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhất từ thập niên 1980 để “ghìm cương” nhu cầu trong nền kinh tế. Ngoài ra, những nút thắt trong chuỗi cung ứng được giải toả cũng là một nguyên nhân kéo lạm phát xuống.
Giá xăng ở Mỹ giảm 12,5% trong tháng 12 – theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ.
Giá ô tô cũ cũng giảm do nguồn cung xe tăng lên. Nhu cầu yếu đi buộc các nhà bán lẻ có lượng hàng tồn kho lớn phải giảm giá bán những mặt hàng như quần áo và đồ nội thất.
Dù tình trạng thiểu phát giá hàng hoá đã xuất hiện, lạm phát giá dịch vụ vẫn vững do giá thuê nhà tăng vững. Ngay cả khi không tính đến giá thuê nhà, lạm phát giá dịch vụ vẫn cao, phản ánh mức tăng trưởng tiền lương còn mạnh.
Ngoài ra, lạm phát lõi cũng giảm chậm. Không tính giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0,3% trong tháng 12 sau khi tăng 0,2% trong tháng 11. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI lõi tăng 5,7%, sau khi tăng 6% trong tháng 11.
Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 4,25 điểm phần trăm trong năm 2022, từ mức 0-0,25 điểm phần trăm lên 4,25-4,5 điểm phần trăm, mức cao nhất kể từ cuối năm 2007. Tháng 12, Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất 0,75 điểm phần trăm nữa trong năm 2023 này.
Lạm phát giảm chắc chắn là một tin tốt đối với các quan chức Fed, nhưng họ vẫn nói muốn có thêm bằng chứng rõ nét về sự suy giảm của áp lực giá cả trước khi dừng tăng lãi suất.
Tình hình thị trường lao động Mỹ, hiện còn đang thắt chặt, sẽ là chìa khoá quan trọng quyết định việc Fed sẽ tăng lãi suất như thế nào và tăng đến đâu trong thời gian tới. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm về mức 3,5%, thấp nhất 5 thập kỷ. Trong tháng 11, cứ 1,7 công việc cần tuyển nhân sự mới có 1 người tìm việc làm.
Một báo khác từ Bộ Lao động Mỹ ngày 12/1 cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc và ngày 7/1 giảm 1.000 còn 205.000 đơn, thấp hơn so với dự báo mà giới phân tích đưa ra trước đó là 215.000 đơn. Đây là mức xin trợ cấp thất nghiệp, bất chấp những cuộc sa thải lớn trong lĩnh vực công nghệ và những ngành có độ nhạy cảm cao với lãi suất như tài chính và nhà đất.
Giới chuyên gia kinh tế nói rằng doanh nghiệp giờ đây lưỡng lự với việc sa thải nhân sự vì đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nhân công trong thời gian đại dịch. Tuy nhiên, họ dự báo số người xin trợ cấp nghiệp sẽ tăng mạnh trong nửa sau của năm nay, khi lãi suất tăng gây cản trở nhu cầu và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Báo cáo tuần trước của Bộ Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế nước này tạo được 223.000 công việc mới trong tháng 12, cao hơn gấp đôi so với mức 100.000 công việc mà giới chuyên gia cho là cần thiết để Fed tự tin rằng lạm phát đang giảm. Trong cả năm 2022, nền kinh tế Mỹ tạo được 4,5 triệu công việc mới.