Tăng 0,62%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2009 xác lập mức tăng cao thứ hai kể từ đầu năm, đổi chiều xu thế giảm tốc của quý 2/2009. Đã có ý kiến cảnh báo về mức tăng khá cao của chỉ số giá tháng này.
Nhưng, Vụ trưởng Vụ Thương mại, Dịch vụ và Giá cả (Tổng cục Thống kê) Trần Thị Hằng cho rằng, việc CPI tăng cao trong tháng 9 là đúng quy luật.
Trả lời VnEconomy, bà Hằng nói:
- Theo tôi, chỉ số giá tháng này tăng cũng không phải bất thường, vì theo quy luật, tháng 9 là bắt đầu “mùa” chỉ số giá sẽ nhích lên một chút. Thông thường, tháng 9 các năm sẽ thường cao hơn các tháng trước đó của quý 3.
Tôi không nói đến năm 2008, là năm có những sốt ảo, sốt thật của thị trường, mà nói đến các năm trước đấy, thường tốc độ tăng chỉ số giá của tháng 6, 7, 8 chậm lại, và nhích cao hơn vào tháng 9.
Nhưng cho rằng diễn biến của một năm suy giảm như 2009 giống như các năm phát triển bình thường trước đó có hợp lý không, thưa Bà?
Xu hướng tăng giá của năm nay, theo tôi, có sự tác động của việc hồi phục kinh tế của Việt Nam. Phục hồi sản xuất bắt đầu từ quý 2/2009, tốc độ tăng trưởng của quý 3/2009 cũng tăng lên tương đối.
Và sự tăng trưởng này tất yếu sẽ tác động đến yếu tố giá, vì nhu cầu tiêu thụ các nguyên nhiên vật liệu tăng lên, đồng thời giá các dịch vụ khác cũng tăng lên, làm cho mặt bằng giá của một số loại mặt hàng nhích dần lên.
Mức tăng 0,62% của tháng 9 không phải là quá cao, và chưa đến mức khẳng định là sốc giá.
Tức là có những nhân tố giá tạo thành quy luật này, thưa bà?
Thường là vào tháng 9, chỉ số giá nhóm giáo dục sẽ tăng nhiều. Nhóm phương tiện đi lại bưu điện cũng tăng do bước vào năm học mới của tất cả các cấp học. Viêc đi lại của sinh viên cũng tốn kém, rồi học phí tăng lên. Nhìn vào năm nay, xu hướng ấy không loại trừ.
Riêng chỉ số giá của nhóm giáo dục tăng khá cao, tới 4,33%. So với mức tăng chung 0,62% thì nhóm này đã tăng như thế là rất nhiều.
Một diễn biến nữa là nhóm phương tiện đi lại, bưu điện. Riêng bưu chính viễn thông vẫn tiếp tục giảm, nhưng phương tiện đi lại tăng do tăng giá xăng dầu. Việc tăng giá xăng lên 1.000 đồng/lít vào ngày 30/8 đã đẩy chỉ số giá nhóm này tăng lên 2,37%.
Một phần nữa, chi phí vận tải, vận chuyển cũng đã tăng lên, không chỉ do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu ngày 30/8 mà còn chịu ảnh hưởng gián tiếp từ các đợt tăng giá nguyên liệu này trước đấy. Tăng giá xăng dầu trong tháng 7 và 8 đã tăng vài lần.
Tăng giá của hai nhóm này là đặt biệt nhất, đã đóng góp vào việc tăng chỉ số giá tháng 9 lên 0,62%. Các nhóm còn lại, tốc độ tăng không có gì đáng kể lắm. Nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống tăng không cao lắm, riêng lương thực lại giảm.
Vậy có thể giải thích thế nào về việc tăng chỉ số giá đột biến của khu vực Đông Nam Bộ và đặc biệt là Tp.HCM, những nơi cũng chịu ảnh hưởng chung từ giá xăng và “mùa tựu trường” như cả nước?
Đông Nam Bộ và Tp.HCM là khu vực tiêu thụ lương thực chứ không phải vùng sản xuất, mặc dù gần vùng sản xuất là miền Tây Nam Bộ. Riêng Tp.HCM, giá lương thực có tăng nhẹ do tiêu thụ của Tp.HCM chỉ tập trung vào gạo tẻ của vụ đông xuân.
Trong khi giá gạo vụ hè thu giảm, giá gạo loại này vẫn tăng từ 100-200 đồng/kg. Cộng thêm giá vận chuyển vào Tp.HCM cũng tăng lên khoảng 1.000 đồng/tạ.
Nhưng đó chưa phải những tác nhân đẩy giá chính, mà là giáo dục. Riêng tại Tp.HCM, do học phí tăng chỉ số giá nhóm này đã tăng 13,34%. Nhóm giáo dục của Đông Nam Bộ cũng tăng 10,51%. Trong khi các khu vực này tập trung khá nhiều trường đại học.
Nhóm phương tiện đi lại, bưu điện tại Tp.HCM cũng đóng góp tới 2,17%, nhưng đóng góp chính vào mức tăng 1,59% của Tp.HCM trong tháng này chính là từ nhóm giáo dục.
Theo một số nhận định, cung tiền lớn, giá thế giới đang nhích lên là những nguyên nhân chính đẩy chỉ số giá tăng. Bà nhìn nhận thế nào về các yếu tố này?
Như chúng ta thấy, giá xăng dầu tăng liên tiếp, tăng nhiều đợt như vừa qua là do tác động từ giá thế giới. Giá sắt thép cũng bắt đầu tăng lên so với hồi đầu năm. Một số loại giá khác cũng bắt đầu nhích lên, mặc dù giá bình quân so với cùng kỳ vẫn thấp hơn.
Với chúng ta, những nguyên, nhiên vật liệu quan trọng phục vụ sản xuất vẫn phải phụ thuộc vào thế giới. Đặc biệt, hai mặt hàng thể hiện rất rõ là sắt thép và xăng dầu như chúng ta đã thấy.
Còn ở trong nước, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, sản xuất phục hồi, thì guồng máy phục vụ bắt đầu được đẩy lên, các dịch vụ đi kèm cũng được đẩy lên, nhu cầu đầu vào cho sản xuất tăng lên, đi theo đó là giá các loại dịch vụ.
Xét tác động từ phía cung - cầu, theo bà yếu tố nào đang dẫn dắt chỉ số giá?
Cho đến thời điểm này, theo tôi, mặt bằng giá đang bị ảnh hưởng do cầu. Sản xuất trong nước, một số mặt hàng còn tồn kho. Thậm chí, vừa rồi, một số ý kiến cho rằng tồn kho trong khâu sản xuất vẫn còn cao, trên 20%. Tôi nghĩ rằng về mặt cung là không ảnh hưởng.
Bởi vì, ảnh hưởng nhiều nhất đến chỉ số giá là lương thực, thực phẩm thì cũng hoàn toàn không phải. Lượng lương thực của chúng ta rất dồi dào. Tính toán cân đối lượng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, chúng ta vẫn có thể đảm bảo xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm nay.
Về mặt thực phẩm, sản xuất chăn nuôi chúng ta tăng trên 10%, sản lượng gia súc gia cầm tăng, thủy sản tương đối khá. Như thế nguồn cung là không có vấn đề gì. Quan trọng là làm sao điều phối để tránh các cơn sốt ảo về giá, dẫn tới không kiểm soát được.
Như vậy, đã có thể hy vọng mức tăng chỉ số giá hợp lý trong năm 2009, thưa bà?
Chắc chắn, chỉ số giá quý 4/2009 sẽ không giảm như những tháng của quý 4/2008 và trung bình mỗi tháng sẽ tăng dưới 1%. Theo tôi, năm nay chỉ số giá tháng 12/2009 so với tháng 12/2008 sẽ không vượt quá 1 con số mà chỉ vào khoảng 7%.
Chỉ số giá bình quân năm nay cũng sẽ vào khoảng 7% với mức giảm từng tháng chậm lại chứ không duy trì tốc độ giảm cao như các tháng trước.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate