May 29, 2024 | 12:34 GMT+7

CPI tháng 5/2024 tăng do tác động từ giá thịt lợn, giá điện

Vũ Khuê -

Giá thịt lợn tăng do thiếu hụt nguồn cung, giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 tăng 0,05% so với tháng trước...

Thịt lợn tăng giá là nguyên nhân chính làm CPI tháng 5/2024 tăng.
Thịt lợn tăng giá là nguyên nhân chính làm CPI tháng 5/2024 tăng.

Báo cáo ngày 29/5 của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế- xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 cho thấy, giá thịt lợn tăng do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2023, giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 tăng 0,05% so với tháng trước.

So với tháng 12/2023 CPI tháng 5/2024 tăng 1,24% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,44%. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng 0,05% của CPI tháng 5/2024 so với tháng trước, có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; 3 nhóm hàng giảm giá và 1 nhóm hàng ổn định giá.

Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 5/2024 so với tháng trước. Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 5/2024 so với tháng trước. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Trong 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với 0,38%, làm cho CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm. Trong đó, thực phẩm tăng 0,59% làm cho CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,14% .

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng mức 0,38% chủ yếu do giá điện sinh hoạt tăng 2,11%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,28%; giá thuê nhà tăng 0,23%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,31%, trong đó giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 1,12%; nhà khách, khách sạn tăng 0,28% do trong tháng có kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5 kéo dài nên nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%, tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ dùng cá nhân tăng 0,60%. Trong đó, giá đồ trang sức tăng 3,3% theo giá vàng trong nước; dịch vụ hành chính, pháp lý tăng 0,28%; dịch vụ hiếu hỉ tăng 0,12%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 0,09%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14% do thời tiết nắng nóng, oi bức nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng, cụ thể: Giá nước khoáng tăng 0,14%; bia các loại tăng 0,11%; nước quả ép tăng 0,09% và rượu các loại tăng 0,01%. Giá thuốc hút tăng 0,27% so với tháng trước do tỷ giá tăng.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng điện lạnh do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng tăng. Trong đó, giá tủ lạnh tăng 0,7% so với tháng trước; bàn là điện tăng 0,56%; quạt điện tăng 0,38%; điều hòa nhiệt độ tăng 0,3%. Ngược lại, giá máy xay sinh tố, máy ép hoa quả giảm 0,45%; bình nước nóng nhà tắm giảm 0,32% do đẩy mạnh chương trình khuyến mại kích cầu mua sắm.

Báo cáo cũng cho thấy, lạm phát cơ bản tháng 5/2024 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân năm tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,03%), chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Ngoài ra, cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 24/5/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.352,56 USD/ounce, tăng 1,3% so với tháng 4/2024.

Gia tăng rủi ro địa chính trị ở khu vực Trung Đông cùng với nhu cầu dự trữ của các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư là những nguyên nhân chính dẫn đến giá vàng trên thế giới liên tục tăng cao.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 5/2024 tăng 3,81% so với tháng trước; tăng 21,47% so với tháng 12/2023; tăng 32,18% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm tháng đầu năm 2024 tăng 22,95%.

Tính đến ngày 24/5/2024, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 105,06 điểm, tăng 0,1% so với tháng trước do hoạt động kinh doanh của Mỹ tăng tốc khi chỉ số PMI tổng hợp tháng 5/2024 lên mức 54,4 là mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.

Trong nước, nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động nhập khẩu của các doanh nghiệp tăng cao, giá USD bình quân trên thị trường tự do dao động quanh mức 25.464 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 5/2024 tăng 1,15% so với tháng trước; tăng 4,21% so với tháng 12/2023; tăng 7,85% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm tháng đầu năm 2024 tăng 5,24%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate