HĐQT CTCP Hóa chất Cơ bản miền Nam (mã CSV-HOSE) vừa thông báo lùi thời gian trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với lý do nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn.
CSV cho biết việc tạm ứng cổ tức năm 2023 sẽ được thực hiện vào thời điểm thích hợp.
Trước đó, CSV thông báo trả cổ tức năm 2023 tỷ lệ 10% bằng tiền mặt (1 cổ phiếu sẽ nhận về 1.000 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng là 29/12/2023 và thời gian trả dự kiến 9/1/2024.
Được biết, tại ĐHĐCĐ năm 2023, HĐQT CSV lên kế hoạch cổ tức cho năm 2023 là 15% tiền mặt, bằng mức cổ tức dự kiến năm trước. Tuy nhiên, cổ tức thực hiện năm 2022 lên tới 35% bằng tiền mặt.
Về kết quả kinh doanh, CSV ghi nhận doanh thu quý 3 đạt 407 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 30% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 51 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng 2023, doanh thu của CSV giảm 29% còn 1.157 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm tới 50% còn 178 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Mới đây, VCSC cho biết giá hóa chất qua mức đáy. Cụ thể: CSV là nhà sản xuất hóa chất xút-clo hàng đầu tại Việt Nam và là nhà sản xuất thương mại lớn nhất tại miền Nam. Công ty chiếm 20% công suất xútclo trong nước, phục vụ nhu cầu của ngành sản xuất.
VCSC kỳ vọng lợi nhuận của CSV sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023 so với nửa đầu năm 2023 do nhu cầu cao hơn đối với các sản phẩm hóa chất chính của CSV. Các sản phẩm chủ lực này gồm xút (NaOH), axit sunfuric (H2SO4) và photpho vàng (P4).
Trong 3 tháng qua, giá NaOH và H2SO4 đã tăng lần lượt 28% và 100%. Ngoài ra, quy mô đơn hàng P4 từ phần lớn các thị trường nước ngoài cũng tăng và do giá hóa chất thấp, LNTT của CSV nửa đầu năm 2023 giảm 50% YoY xuống còn 158 tỷ đồng – tương ứng 58% mục tiêu năm 2023 của CSV.
Theo VCSC, CSV có chỉ số P/E trượt là 7,0 lần so với P/E trung bình của công ty là 6,6 lần, cao nhất là 15,3 lần và thấp nhất là 3,1 lần. VCSC kỳ vọng lợi nhuận sẽ phục hồi, tương ứng P/E rẻ hơn tính trên EPS nửa cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024 của CSV.
VCSC cho biết rủi ro đầu tư đối với CSV là giá hóa chất thấp hơn dự kiến có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của CSV và gián đoạn trong sản xuất do công ty di dời nhà máy và thay thế thiết bị.
Cũng theo VCSC, CSV có thể phải chi một khoản vốn lớn để di dời nhà máy và thay thế thiết bị cũ trước năm 2028, khoản đền bù đất mà công ty có thể nhận được vẫn chưa xác định. Ngoại trừ CTCP Phốt pho Việt Nam, tất cả các nhà máy của CSV đều nằm tại KCNBiên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai và tỉnh muốn chuyển KCN này sang mục đích phi công nghiệp. Do đó, CSV có kế hoạch di dời 3 nhà máy này về KCNNhơn Trạch 6 - cũng thuộc tỉnh Đồng Nai.
Theo CSV, dự án có thể hoàn thành vào năm 2027 với chi phí 92 triệu USD (được tài trợ bằng 30% tiền mặt và 70% nợ), trong đó CSV đã chi 18 triệu USD để trả trước 50 năm tiền thuê đất và tiền thuê cơ sở hạ tầng tại Nhơn Trạch 6.
Trong khi đó, công ty sẽ được tỉnh Đồng Nai bồi thường cho các nhà máy cũ; tuy nhiên, số tiền này vẫn chưa được xác định. Do đó, Vinachem cho phép CSV giữ lại nhiều lợi nhuận hơn. Tỷ lệ chi trả cổ tức trên lợi nhuận của CSV đã giảm từ 70% trong giai đoạn 2014-2019 xuống còn 33% trong giai đoạn 2019-2022.
Công ty có kế hoạch dành lợi nhuận cho việc di dời nhà máy, thay thế thiết bị và mở rộng công suất thêm 50%.
Chốt phiên giao dịch ngày 21/12/2023, giá cổ phiếu này tăng 1,25% lên 40.500 đồng/cổ phiếu và giảm 2,05% trong 5 ngày qua nhưng tăng 33% từ đầu năm đến nay.