Các cuộc hội nghị, hội thảo, việc dạy và học trong các trường, hoạt động mua bán hàng, cách làm việc, giới thiệu ra mắt sản phẩm mới... đã được triển khai trực tuyến. Một phương thức làm việc mới đã được các tổ chức, doanh nghiệp kích hoạt trong bối cảnh đại dịch hoành hành.
Covid-19 đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, tạo ra một làn sóng đổi mới trong các doanh nghiệp để ứng phó với các thách thức, bất ổn của hiện tượng "thiên nga đen"; từ đó tồn tại và tiếp tục phát triển bứt phá.
Ngay khi dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp mọi lĩnh vực đều buộc phải triển khai các giải pháp để đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục và sự ổn định. Dựa trên các nền tảng công nghệ sẵn có, Công ty FPT đã áp dụng phương thức làm việc tại nhà và từ xa với tỷ lệ 25%, 50% và có lúc lên tới 100%; đẩy mạnh tương tác và tiếp cận khách hàng qua các kênh online tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới. Nhờ đó, tính đến hết tháng 8/2020, doanh thu và lợi nhuận của công ty vẫn tăng trưởng tương ứng 7,6% và 11,7%.
Một doanh nghiệp phần mềm khác với hơn 500 kỹ sư đã hoàn toàn làm việc tại nhà trong hơn 1 tháng mà vẫn đảm bảo tiến độ công việc yêu cầu. Một loạt các sự kiện ra mắt các sản phẩm công nghệ mới thời gian qua đã được tổ chức online mà vẫn thu hút được sự quan tâm và tương tác của người dùng...
Đó chỉ là một trong số những điển hình cho cách mà các tổ chức, doanh nghiệp chuyển mình, tự đổi mới để thích ứng, duy trì hoạt động, phát triển kinh doanh trong cơn đại dịch liên tiếp hoành hành.
"VŨ KHÍ" SỐ ĐỂ VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG
Ngay khi đại dịch xảy ra, vấn đề được các chuyên gia nhắc tới đó là tìm "vũ khí" giúp các doanh nghiệp sống sót, đứng vững trong khủng hoảng. Dù để lại những hệ lụy nặng nề, song dịch Covid-19 được nhìn nhận là cơ hội để các quốc gia "thức tỉnh" và hướng tới những cải cách mang tính bền vững nhằm vực dậy nền kinh tế. Đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp đón bắt cơ hội, xu hướng công nghệ mới để doanh nghiệp xoay chuyển mô hình kinh doanh, đảm bảo không những sống mà còn sống khỏe.
Đổi mới, chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, Blockchain... được coi là chìa khóa để tăng cường hiệu quả quản lý, vận hành, tận dụng các cơ hội mới. Các chuyên gia khẳng định, số hoá là một trong các công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp tồn tại vượt qua khó khăn. Đây không chỉ là một xu thế mà còn là một lựa chọn bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp.
Tại một hội nghị gần đây, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin-Truyền thông nhận định, có 7 lĩnh vực được dự báo sẽ thay đổi sau đại dịch Covid, đó là: làm việc trực tuyến, giáo dục trực tuyến, y tế từ xa, các phương tiện lái tự động, mua sắm trực tuyến, tổ chức các sự kiện, hội chợ triển lãm ảo trên không gian mạng thay vì tổ chức trong đời thực.
Đại dịch Covid-19 chính là thời cơ, là cú huých để triển khai chuyển đổi số. Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam, bà Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty CP Misa khẳng định, chính trong bối cảnh khó khăn dịch bệnh hoành hành đang là cơ hội, tạo "đòn bẩy" thúc đẩy các doanh nghiệp gia tăng chuyển đổi số trong doanh nghiệp mình.
Thực tế trong bối cảnh khó khăn vừa qua, đã có không ít doanh nghiệp phải giải thể, phá sản. Tuy nhiên với những doanh nghiệp còn tồn tại và có cơ hội phát triển vẫn có những nhu cầu, quan tâm các giải pháp công nghệ mới. Bà Thúy cho biết, Misa hiện đang cung cấp một nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất Misa Amis, làm việc hoàn toàn trên môi trường online, tích hợp toàn bộ các nghiệp vụ quản trị trong doanh nghiệp từ kế toán, bán hàng, nhân sự... phù hợp với nhu cầu của mọi loại hình doanh nghiệp.
Hiện đang có khoảng 20.000 doanh nghiệp đang ứng dụng giải pháp công nghệ nền tảng quản trị doanh nghiệp và khoảng 150.000 khách hàng đang sử dụng các phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử...
Cùng với việc kích hoạt chế độ làm việc "thời chiến" trên 2 mặt trận chống dịch và đảm bảo các hoạt động kinh doanh liên tục, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới, đại diện FPT cho biết, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ phù hợp trong vận hành sẽ giúp doanh nghiệp giải bài toán do tác động của dịch bệnh mà còn phát triển bứt phá.
Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Phát triển kinh doanh FPT chia sẻ, "với gần 36.000 nhân viên, mỗi năm có 1,2 triệu yêu cầu công việc nội bộ, tương đương với 5,6 triệu tác vụ cần thực hiện. Để biến các quy trình nghiệp vụ này thành trải nghiệm số cho nhân viên, trước khi Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp đã triển khai FPT Spro - Giải pháp số hóa quy trình, tự động giao việc. Sau hơn một năm triển khai, thời gian trung bình xử lý các quy trình phức tạp giảm 65%, năng suất lao động tăng thêm 150%, 50% các tác vụ được tự động hóa với thời gian giảm 98,79% so với con người thực hiện.
Tại hội nghị về chuyển đổi số và giải pháp cho các doanh nghiệp trong thời kỳ Covid-19 vừa diễn ra cuối tháng 9, đại diện một ngân hàng nhấn mạnh, trong bối cảnh cách mạng số và sự bùng phát của đại dịch, người dùng có xu hướng chuyển dịch từ hoạt động mua sắm truyền thống sang online.
Do đó, chiến lược chuyển đổi số của doanh nghiệp tập trung vào dữ liệu lớn, công nghệ điện toán đám mây và nền tảng mở Open API. Trong đại dịch, nhờ triển khai dịch vụ đăng ký thẻ qua website, lượng thẻ bán qua kênh online chiếm tới 20% số thẻ mới được phát hành. Con số này bằng 1/4 so với tổng lượng thẻ do 5.000 nhân viên ngân hàng kiếm về theo cách thức truyền thống.
CHỦ ĐỘNG CHUYỂN MÌNH, ĐỔI MỚI ĐỂ BỨT PHÁ
Các chuyên gia cho rằng, thế giới sau đại dịch sẽ là thế giới khác với nhưng quy luật khác. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị để trở thành doanh nghiệp có sự mềm dẻo ứng phó, từ đó bứt phá.
Theo khảo sát các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam do FPT thực hiện mới đây, các doanh nghiệp Việt Nam rất lạc quan, nhạy bén và chủ động, tích cực tìm giải pháp để kiến tạo hoạt động bình thường mới và vững vàng vượt khủng hoảng. Khảo sát cho thấy có tới 50% doanh nghiệp nhận định "trong nguy có cơ", Covid-19 có thể thúc đẩy doanh nghiệp tạo nên một cục diện hoàn toàn khác cho bức tranh thị trường.
Ông Sơn cho rằng, với việc đầu tư đồng bộ, vững chắc cho công nghệ, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tăng tốc việc tái cấu trúc, tối ưu được năng suất, giảm chi phí, thời gian. Theo thống kê từ thực tiễn triển khai chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp tối ưu vận hành, từ đó cắt giảm đến 60% chi phí, tiết kiệm 30-70%, thậm chí tiết kiệm lên tới 90% thời gian ở một số quy trình so với trước khi số hoá.
Đại diện FPT tin tưởng, với mô hình doanh nghiệp số, doanh nghiệp có thể chuyển đổi toàn diện không chỉ "bên ngoài" mà quan trọng hơn là còn từ "bên trong". Giá trị của việc tiến lên mô hình doanh nghiệp số không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, mà còn tạo động lực to lớn cho nền kinh tế quốc gia phục hồi và phát triển bứt phá trong tương lai.
Theo một nghiên cứu mới thực hiện của Microsoft và IDC, 74% người giữ vai trò ra quyết định kinh doanh ở châu Á-Thái Bình Dương cho rằng đổi mới hiện là điều bắt buộc chứ không còn là lựa chọn. Các doanh nghiệp thấy rằng khả năng đổi mới đóng vai trò quan trọng đối với hiệu suất và khả năng chống chịu.
Hầu hết (98%) các doanh nghiệp tiên phong với nền văn hóa đổi mới tiên tiến nhất tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng đáp ứng thách thức và cơ hội của thị trường. Những doanh nghiệp này vững vàng hơn trước các cuộc khủng hoảng và có khả năng phục hồi nhanh hơn.
Nhờ khả năng đổi mới, các doanh nghiệp tiên phong đã thể hiện sự kiên cường hơn và khả năng phục hồi nhanh hơn. Gần một nửa trong nhóm doanh nghiệp này tin rằng sẽ phục hồi sau đại dịch trong vòng 6 tháng hoặc ít hơn. Trên thực tế, số doanh nghiệp tiên phong dự kiến sẽ tăng doanh thu nhiều hơn 50% so với các doanh nghiệp còn lại và 1 trên 3 doanh nghiệp tiên phong dự kiến tăng thị phần bất chấp khủng hoảng.
Ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết, "trong cái khó ló cái khôn, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến làn sóng thay đổi đã 'càn quét' khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các doanh nghiệp có những thách thức cần phải vượt qua và đổi mới không còn là điều xa xỉ. Nó phải trở thành một phần cốt lõi, là yếu tố thiết yếu để các DN thích nghi nhanh chóng, đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh cũng như khả năng chống chịu trong tương lai".
Các doanh nghiệp buộc phải nhanh chóng thích nghi với các điều kiện mới khi khủng hoảng xảy ra. Nghiên cứu cho thấy kể từ khi Covid-19 bùng phát, số doanh nghiệp nhận thấy đổi mới là khó khăn đã giảm từ 68% xuống 36% ở nhóm doanh nghiệp tiên phong, và 74% xuống 54% ở các doanh nghiệp còn lại.
Tốc độ số hóa nhanh hơn cũng là chìa khóa để phát triển các doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ hơn. Nghiên cứu cho thấy 87% doanh nghiệp tiên phong sẽ tăng tốc số hóa bằng cách đưa ra các sáng kiến bao gồm sản phẩm kỹ thuật số, thanh toán và thương mại điện tử để đáp ứng với thực tế mới. Tỉ lệ này ở nhóm doanh nghiệp còn lại là 67%.
Bà Sandra Ng, Phó Chủ tịch, Practice Group, IDC châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ, trong thời kỳ Covid-19, 45% doanh nghiệp tiên phong nghĩ mô hình kinh doanh của họ sẽ mất khả năng cạnh tranh trong thời gian 5 năm, so với tỷ lệ là 30% ở các doanh nghiệp còn lại. Mong muốn và sự thôi thúc cải tiến liên tục thông qua tính nhanh nhạy và khả năng thích ứng với thay đổi sẽ quyết định sự thành công của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới này.
Nghiên cứu cho thấy, trong các khía cạnh của văn hóa đổi mới, con người và công nghệ được các doanh nghiệp coi là hai ưu tiên hàng đầu trong 12 tháng tới. Theo ông Trường, cuộc khủng hoảng hiện tại đã cho thấy tính liên tục của hoạt động kinh doanh và khả năng đáp ứng điều kiện tương lai phụ thuộc vào việc con người đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật số chưa. Khi mọi doanh nghiệp trở thành một doanh nghiệp số, thành công trong quá trình chuyển đổi đòi hỏi cả việc áp dụng các công cụ và công nghệ lẫn sở hữu năng lực số.