Cử tri các tỉnh cho rằng việc quy định mua bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP còn nhiều bất cập. Bởi lẽ, để nhận được bồi thường bảo hiểm nếu có tai nạn xảy ra thì người dân phải tiến hành nhiều loại thủ tục giấy tờ rất phức tạp. Trong khi đó, khi tai nạn xảy ra, chủ phương tiện và người thân phải lo đi cấp cứu, không có thời gian để lo các loại giấy tờ chứng minh thiệt hại theo yêu cầu nên nhiều người mua bảo hiểm nhưng không thanh toán được vì không đủ giấy tờ. Việc mua bảo hiểm vì vậy chưa đảm bảo quyền lợi của người dân.
Cử tri cho rằng bảo hiểm xe máy là hợp đồng dân sự nên để người dân tự nguyện mua bảo hiểm thay vì bắt buộc như hiện nay. Đây cũng không phải cơ sở để đảm bảo cho người dân tham gia lưu thông được an toàn.
Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi quy định theo hướng không bắt buộc mua bảo hiểm hoặc quy định thủ tục chi trả bảo hiểm đơn giản nhất để người dân được thuận lợi hơn trong việc hưởng bảo hiểm này.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Tài chính cho biết hiện đang rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc nhằm đồng bộ với Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.
Dự thảo Nghị định về cơ bản kế thừa các quy định tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tăng tỷ lệ chi bồi thường đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của của xe máy như tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo từ 25% lên 30%. Đề xuất này nhằm tăng cường hơn nữa chi hỗ trợ nhân đạo trong trườg hợp tai nạn thuộc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hoặc không thuộc phạm vi bồi thừơng.
Liên quan đến đề xuất bỏ bắt buộc đối với bảo hiểm xe máy, nếu cơ quan thẩm định là Bộ Tư pháp thấy có đầy đủ cơ sở pháp lý để bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe máy, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ thống nhất bỏ quy định này.
Bộ Tài chính cũng cho biết, không riêng Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô, mô tô, xe máy và thậm chí, có quốc gia còn áp dụng cả với xe đạp điện. Trong đó, có cả các nước phát triển có số lượng xe mô tô, xe máy thấp như Mỹ (khoảng 8 triệu xe), EU (11,6 triệu xe).
Để đảm bảo thực hiện, nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore…đã có quy định việc tham gia giao thông khi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba là bất hợp pháp và có thể áp dụng hình phạt tù trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần.
Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bao gồm cả ô tô, xe máy) được thực hiện tại Việt Nam đến nay là 34 năm (từ năm 1988).
Bộ Tài chính cho biết mô tô, xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia, tổng số xe máy đã đăng ký tính đến ngày 14/10/2020 là 72 triệu xe, chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn.
Theo số liệu thống kế bình quân từ năm 2017-2021 của các doanh nghiệp bảo hiểm, tỷ lệ chi bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là 19,81%. Riêng về bảo hiểm bắt buộc xe máy năm 2021, số lượng xe được bảo hiểm 12,4 triệu xe (giảm 3% so với năm 2019), tổng số tiền bồi thường bảo hiểm và dự phòng nghiệp vụ là 1.040 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm bao gồm cả dự phòng nghiệp vụ là 11%.