Cử tri cho rằng mức giá mua bảo hiểm y tế tăng theo mức lương cơ sở từ ngày 1/7 khiến người dân có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn.
NGƯỜI CÓ THU NHẬP THẤP GẶP KHÓ KHI GIÁ MUA BẢO HIỂM Y TẾ TĂNG
Gửi kiến nghị đến Bộ Y tế, cử tri tỉnh An Giang phản ánh hiện nay, giá mua bảo hiểm y tế tăng theo mức tăng của lương cơ sở làm cho người dân gặp khó khăn trong việc tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt là đối với các hộ dân có thu nhập thấp, người không hưởng lương, học sinh, sinh viên.
Cử tri đề nghị cơ quan chức năng điều chỉnh giá mua bảo hiểm y tế phù hợp. Bên cạnh đó, đề nghị xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế được khám, chữa bệnh ở bất cứ bệnh viên công lập nào trên phạm vi cả nước khi họ có nhu cầu.
Tương tự, cử tri tỉnh Bạc Liêu kiến nghị xem xét điều chỉnh mức giá bảo hiểm y tế xuống thấp hơn, để người dân đủ điều kiện tham gia đạt chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.
Theo cử tri Bạc Liêu, hiện nay lương của nhóm đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước tăng, mức đóng bảo hiểm y tế tăng là đương nhiên. Tuy nhiên, kiến nghị xem xét mức quy định mua bảo hiểm y tế tự nguyện đối với nhóm đối tượng không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước để có thể mua bảo hiểm y tế tự nguyện phù hợp hơn.
Cử tri tỉnh Bình Thuận cũng phản ánh từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở tăng, kéo theo mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình cũng tăng theo, từ 972.000 đồng lên 1.263.600 đồng/năm (người thứ nhất). Mức đóng này hiện khá cao, trong khi người dân đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình đa số là người lao động có thu nhập thấp, không hưởng tiền lương theo mức lương cơ bản mà Nhà nước quy định.
Việc tăng mức đóng bảo hiểm y tế sẽ hạn chế số người tham gia, cũng như khó khăn trong việc đóng bảo hiểm y tế. Cử tri kiến nghị Bộ Y tế tham mưu Chính phủ trình Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế để phù hợp với người dân lao động.
Cùng quan tâm đến nội dung này, cử tri tỉnh Bình Định cho biết từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 2,34 triệu đồng/tháng, mức đóng bảo hiểm y tế của người dân cũng được điều chỉnh tăng phù hợp với quy định mới.
Tuy nhiên, đối với người lao động không hưởng lương, việc tăng mức đóng bảo hiểm y tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đặc biệt đối với người nghèo, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện chính sách xã hội. Cử tri kiến nghị quan tâm, tăng cường hơn nữa các chính sách, giải pháp hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng này.
Bên cạnh đó, đối với gia đình đông người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, thì những người sau sẽ được mua với giá rẻ hơn. Mặc dù vậy, thành viên gia đình là học sinh, sinh viên không được mua bảo hiểm y tế hộ gia đình. Mức đóng của nhóm này sau khi được Nhà nước hỗ trợ 30% bằng với mức đóng của thành viên thứ 2 trong nhóm hộ gia đình.
Mức đóng hỗ trợ dành cho học sinh, sinh viên vẫn cao hơn mức đóng của thành viên thứ 3, thứ 4... Do vậy, cử tri kiến nghị cho phép người dân được lựa chọn hình thức đóng phù hợp nhằm giảm bớt chi phí.
Còn cử tri TP. Đà Nẵng kiến nghị nghiên cứu, quy định việc đóng bảo hiểm y tế theo một mức phù hợp, thay vì căn cứ theo hệ số lương như hiện nay. Đồng thời, đối với bảo hiểm y tế của học sinh nên áp dụng mua theo hộ gia đình sẽ đảm bảo có lợi hơn cho người dân.
ĐẢM BẢO MỨC ĐÓNG - HƯỞNG PHÙ HỢP VỚI CÁC NHÓM ĐỐI TƯỢNG
Phản hồi vấn đề cử tri nêu trên, về việc điều chỉnh mức giá mua bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng tối đa bằng 6% mức tiền lương hoặc tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp, hoặc mức lương cơ sở.
Trên cơ sở quy định của Luật, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng bảo hiểm y tế là 4,5%.
Dựa trên phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, Quốc hội và Chính phủ đã quy định mức đóng bảo hiểm y tế dựa trên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, và khả năng đóng góp của Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và người dân.
Để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm y tế, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đã quy định các mức đóng và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.
Đối với nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, quy định mức đóng bảo hiểm y tế như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Để chia sẻ với ngân sách Trung ương và hỗ trợ các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có điều kiện kinh tế khó khăn, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã quy định, căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trình Hội đồng nhân quyết định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu, và mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ theo quy định hiện hành.
Theo Bộ Y tế, chính sách bảo hiểm y tế nước ta hướng tới mọi người dân, người lao động, trong đó có học sinh, sinh viên. Hiện nay, ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng này. Nhiều địa phương đã chủ động sử dụng ngân sách địa phương đề hỗ trợ mức đóng lên đến 50% hoặc cao hơn.
Bộ Y tế cho biết, với các kiến nghị của cử tri, Bộ sẽ tổng hợp và tham mưu báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, đảm bảo sự công bằng, phù hợp giữa các nhóm đối tượng và quy định của pháp luật. Luật dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV.