Lừa đảo qua mạng, hoạt động "tín dụng đen", cho vay nặng lãi "bảo kê", băng nhóm "xã hội đen", sử dụng "đầu gấu" đòi nợ thuê… là những vẫn đề cử tri rất lo ngại, theo dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Báo cáo này được Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày sáng 17/10 trong phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Mẫn cho biết, từ sau kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa 14 đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.976 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Cũng như mọi kỳ khác, báo cáo phản ánh nhiều lo lắng, bức xúc của cử tri.
Cụ thể, về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cử tri và nhân dân rất lo ngại về tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp: trộm, cướp ngày càng nguy hiểm, táo bạo (như cướp ngân hàng, cướp tiệm vàng); một số vụ án giết nhiều người gây hoang mang, lo lắng trong dư luận.
Nạn bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực gia đình, tình trạng buôn bán người, mua bán và chế biến các chất ma túy diễn biến phức tạp. Lừa đảo qua mạng, hoạt động "tín dụng đen", cho vay nặng lãi; "bảo kê", băng nhóm "xã hội đen", sử dụng "đầu gấu" đòi nợ thuê… diễn ra ở một số nơi gây bức xúc trong nhân dân, báo cáo phản ánh.
Cơ quan xây dựng báo cáo đề nghị Bộ Công an tập trung trấn áp các loại tội phạm. Các ngành chức năng ở trung ương và địa phương kiên quyết xử lý những người có trách nhiệm có hành vi bao che vi phạm, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm.
Liên quan tới công tác phòng, chống tham nhũng, ông Mẫn cho biết cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đã xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn, kỷ luật nhiều cán bộ có hành vi lợi dụng chức vụ và kẽ hở của pháp luật để tham nhũng, "lợi ích nhóm" gây thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.
Tuy nhiên, cử tri còn bất bình vì nạn "tham nhũng vặt" chưa giảm, nhiều doanh nghiệp và người dân phải chi trả những khoản chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính. Những biểu hiện tiêu cực này thường chỉ được phát hiện thông qua phản ánh, tố giác của người dân hoặc qua báo chí, hầu như không được phát hiện thông qua đấu tranh nội bộ, tự phê bình và phê bình của cán bộ, công chức.
Với lĩnh vực giáo dục, báo cáo cho biết, cử tri và nhân dân phản ánh việc triển khai áp dụng chương trình Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục 1 đã gần 40 năm qua nhưng chưa có đánh giá đầy đủ và toàn diện. Việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa còn bất cập dẫn đến tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học, phần lớn sách giáo khoa chỉ sử dụng một lần gây lãng phí cho xã hội.
Các sai phạm, tiêu cực trong khâu chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 - 2019 tại một số địa phương làm ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi và uy tín của ngành giáo dục, gây bức xúc trong nhân dân.
Đề nghị được nêu tại báo cáo là Bộ Giáo dục và Đào tạo có báo cáo tổng thể và công khai các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xuất bản sách giáo khoa, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, tránh tình trạng "độc quyền"; thực hiện rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch trong tổ chức thi và tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh phản ánh ý kiến cử tri, Uỷ ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam cũng nêu một số kiến nghị riêng. Trong đó có đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm để tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân. Kịp thời phản bác, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, gây hoang mang trong dư luận.
Cơ quan xây dựng báo cáo cũng đề nghị các cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp tiếp tục đề cao trách nhiệm trong sắp xếp bộ máy gắn với tinh giản biên chế đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần đề cao trách nhiệm nêu gương trong thực thi nhiệm vụ, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tạo niềm tin cho nhân dân.