Nike vừa mới giới thiệu khái niệm bán lẻ mới nhất của mình, Nike Style, với cửa hàng đầu tiên được mở tại Hàn Quốc, sau đó sẽ mở rộng nhiều hơn nữa trên thị trường quốc tế. Cửa hàng ý tưởng Nike Style nằm trong khu phố Hongdae nhộn nhịp, nơi được biết đến với văn hóa nghệ thuật và thời trang. Không gian phi giới tính được trưng bày sản phẩm chất liệu lông cừu, áo, giày dép, phụ kiện và các bộ sưu tập theo phong cách khác. Khái niệm bán lẻ mới dự kiến sẽ "mở rộng định nghĩa về thể thao", làm mờ ranh giới giữa vật lý và kỹ thuật số.
Cửa hàng có một studio nội dung với phông nền có thể tùy chỉnh cho các nhà quảng cáo địa phương, chuyên gia sản phẩm và người mua sắm để tạo nội dung cho mạng xã hội. Khách hàng có thể quét mã QR để có trải nghiệm AR liên quan đến đổi mới sản phẩm và thậm chí là các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt xung quanh. Cửa hàng cũng tổ chức các buổi hội thảo về Nike By You và các sự kiện Snkrs Lounge cho các thành viên của mình.
“Khu vực Hongdae có mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng giày thể thao và cộng đồng bán lẻ trong khu vực lân cận. Với khái niệm bán lẻ phong cách, Nike giúp mở rộng tầm nhìn của văn hóa bán lẻ thể thao bằng cách tiếp tục kết hợp giữa trải nghiệm vật lý và kỹ thuật số,” thông cáo báo chí của thương hiệu viết.
Một cửa hàng Nike Style thứ hai sẽ mở cửa tại Thượng Hải vào cuối năm nay. Nike Style là khái niệm mới nhất của Nike, sau House of Innovation, Nike Live và gần đây là Nike Rise. Hồi tháng 8/2021, Nike đã mở cửa hàng Nike Rise thứ hai trên thế giới (sau cửa hàng tại Quảng Châu), có không gian rộng 24.000 m2 vuông cũng tại Seoul. Cửa hàng tự hào được trang bị công nghệ cao với các tính năng được cá nhân hóa, theo hướng dữ liệu được thiết kế để tạo ra trải nghiệm tương tác và khó quên cho người mua sắm.
Nói về lý do tại sao luôn luôn “ưu tiên” lựa chọn Seoul làm nơi đặt các cửa hàng ý tưởng đầu tiên, Daniel Heaf, Phó chủ tịch Nike Direct lý giải: sức mua đối với các dịch vụ thượng hạng và xa xỉ phẩm tại Hàn Quốc gần như không thua kém bất kỳ quốc gia lớn nào. Sự yêu thích của người Hàn Quốc đối với xa xỉ phẩm rất đáng kinh ngạc, và đó là lý do tại sao các thương hiệu cao cấp gần đây đã thay đổi phương thức hoạt động, chọn cách mở chi nhánh tại Hàn Quốc thay vì thông qua các nhà nhập khẩu hoặc nhà phân phối trong nước như trước đây.
“Vượt qua các thiên đường mua sắm của châu Á như Hong Kong, Tokyo và Singapore, thủ đô Seoul của Hàn Quốc đang nổi lên như một trung tâm thời trang mới của khu vực, khiến Nike không thể không tìm cách tiếp cận thị trường tiềm năng này,” ông Heaf nói. Đáng chú ý là nguồn thu từ các khách hàng Trung Quốc hiện chiếm tới 1/3 tổng doanh số bán hàng xa xỉ phẩm trên toàn thế giới nhưng phong cách thời trang của đa số những khách hàng này lại đang bắt nguồn từ Hàn Quốc, đất nước được Bain & Company đánh giá là nơi đang tạo ra xu hướng và có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành thời trang và xa xỉ phẩm.
Trong năm vừa qua, các hãng thời trang danh tiếng hàng đầu thế giới đồng loạt mở rộng "sân chơi" tại Hàn Quốc nhằm tiếp cận "hầu bao" của các khách hàng châu Á giàu có. Kate Ahn, người đại diện tại Seoul của công ty nghiên cứu tiêu dùng Stylus (Anh) nhấn mạnh rằng Hàn Quốc thực sự là điểm khởi đầu để các thương hiệu cao cấp quốc tế đánh giá tâm lý khách hàng tại châu Á.
Đó là chưa kể, giới trẻ Hàn Quốc có một sự khao khát mãnh liệt đối với giày và túi xa xỉ. Trong một cuộc khảo sát đối với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông được thực hiện vào năm ngoái bởi Smart Uniform, một thương hiệu đồng phục học sinh Hàn Quốc, 56,4% người tham gia cho biết đã từng mua xa xỉ phẩm.
Ngoài ra, theo một cuộc khảo sát về thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi 20 được thực hiện bởi Alba Cheonguk, một nền tảng tìm kiếm việc làm bán thời gian vào năm 2021, 33,6% thanh thiếu niên cho biết họ có kế hoạch mua hàng hiệu mới bằng tiền tiêu vặt. Trong khi đó, thế hệ Y và Z được coi là một phân khúc người mua sắm quan trọng trong ngành bán lẻ, đặc biệt là giày sneaker.
“Thế hệ này có cách tiếp cận mua sắm khác với người lớn tuổi, mà ưu tiên hàng đầu trong tiêu dùng là sự hài lòng. Do đó, việc đặt những cửa hàng ý tưởng đầu tiên trên thế giới tại Seoul như một cách chúng tôi đo lường phản ứng của người tiêu dùng châu Á đối với phương thức bán lẻ ngày càng cải tiến của mình,” ông Heaf kết luận.