Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa báo cáo giải pháp tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải hậu Covid-19.
Theo đó, ngay từ những tháng đầu năm 2020, cơ quan này tích cực phối hợp cùng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu và đề xuất phương án giảm phí sử dụng đường bộ cho đối tượng là các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vận tải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid.
Trên cơ sở chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính để Bộ Tài chính ban hành các Thông tư về điều chỉnh giảm mức thu phí sử dụng đường bộ như: giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách và giảm 10% mức thu phí đối với xe kinh doanh vận tải hàng hoá; giảm 50% mức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm...
Theo tính toán của Cục Đăng kiểm, tổng số phí sử dụng đường bộ giảm cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vận tải từ tháng 8/2020 đến hết ngày 30/6 dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng. Tổng số lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm dự kiến giảm trong 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 85 tỷ đồng.
Đánh giá tác động nếu tiếp tục các chính sách giảm phí, lệ phí thời gian qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết về phí sử dụng đường bộ, đầu tháng 6/2020 khi Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất phương án giảm phí sử dụng đường bộ để Bộ Giao thông vận tải trình Bộ Tài chính, số lượng phương tiện kinh doanh vận tải trên cả nước tại thời điểm đó đạt 805.313 phương tiện.
Với phương án giảm mức phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách 30% và giảm mức phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa 10% trong 6 tháng, số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm trên 300 tỷ đồng.
Do đó, khi Bộ Tài chính ban hành các thông tư về giảm phí sử dụng đường bộ áp dụng từ 10/8/2020 - 30/6/2022, tổng số phí nộp ngân sách nhà nước dự kiến giảm khoảng 1.200 tỷ đồng.
Chính sách này kết thúc vào thời điểm 30/6/2022. Sau đó, mức thu phí sử dụng đường bộ sẽ áp dụng theo đúng quy định tại Thông tư số 70/2021/TT-BTC ngày 12/8/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ.
Tính đến cuối tháng 6/2022, theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, số lượng phương tiện kinh doanh vận tải trên cả nước đạt 913.118 phương tiện.
Vì vậy, theo phân tích của Cục Đăng kiểm, thứ nhất, nếu tiếp tục kéo dài phương án giảm phí sử dụng đường bộ như giai đoạn vừa qua cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vận tải thêm 6 tháng cuối năm 2022, số phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp đạt khoảng 400 tỷ đồng và số thu cho ngân sách nhà nước về phí sử dụng đường bộ sẽ gảm đi tương ứng.
Thứ hai, về lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm đối với xe cơ giới, trên cơ sở đề xuất của Cục Đăng kiểm và của Bộ Giao thông vận tải, ngày 16/6/2022 Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư số 36/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 199/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn.
Theo đó, mức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận đối với xe ô tô sẽ giảm từ 50.000 đồng/giấy xuống còn 40.000 đồng/giấy. Riêng đối với xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi, mức thu lệ phí giảm từ 100.000 đồng/giấy xuống còn 90.000 đồng/giấy.
Với mức điều chỉnh như vậy, số nộp ngân sách nhà nước mỗi năm sẽ giảm khoảng 34 tỷ đồng. Vì vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam không kiến nghị về điều chỉnh mức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm đối với xe cơ giới.
Do đó, để nhằm hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang gặp khó khăn vì giá nhiên liệu tăng cao nhưng vẫn phải đảm bảo cân đối số thu cho ngân sách nhà nước, Cục Đăng kiểm Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải đề xuất với Bộ Tài chính xem xét, kéo dài phương án giảm phí sử dụng đường bộ thêm 3 tháng, tương ứng với số tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vận tải dự kiến khoảng 200 tỷ đồng.