Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc xây dựng Quyết định của Bộ Giao thông Vận tải quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ hàng không. Tại văn bản này, Cục Hàng không đề xuất sẽ áp giá cao nếu muốn bay giờ cao điểm.
Khung giờ cao điểm được tính là khung giờ có số chuyến bay thực tế từ 90% trở lên so với giới hạn khai thác của cảng hàng không. Khung giờ thấp điểm được tính là các khung giờ có số chuyến bay thực tế từ 0 - 30% so với giới hạn khai thác của cảng hàng không. Khung giờ bình thường là thời gian hoạt động trừ khung giờ cao điểm và thấp điểm.
Trong lần đề xuất này, đối với các cảng hàng không nhóm A, B, Cục Hàng không đề xuất giờ bình thường, áp dụng mức giá dịch vụ tăng 15% so với mức hiện hành. Mức giá này tại giờ cao điểm sẽ được tăng lên 15% và giảm 15% vào giờ thấp điểm. Các cảng hàng không nhóm C sẽ áp mức giá bằng 60% mức quy định đối với cảng hàng không nhóm B trong giờ cao điểm.
Để tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không, Cục Hàng không cũng đề xuất lộ trình điều chỉnh. Cụ thể, giai đoạn 1 từ ngày 1/7, tăng 5%. Tiếp đó, từ ngày 1/1/2018, tiếp tục tăng thêm 10% nữa so với giá hiện hành.
Như vậy, trong giờ cao điểm, mức giá cất, hạ cánh được đề xuất áp dụng từ ngày 1/7 với tàu bay ATR 70 là 698 nghìn đồng/lần, tàu A320, A321 là hơn 1,5 triệu đồng/lần, tàu A350, B787, B777, A330 khoảng hơn 5,8 triệu đồng/lần.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam lý giải việc quá tải vào các giờ cao điểm tại một số cảng hàng không hiện nay chủ yếu do sản lượng và tốc độ tăng trưởng quá lớn của chuyến bay quốc nội.
Do vậy, Cục đề xuất xây dựng chính sách giá cất, hạ cánh với chuyến bay quốc nội theo khung giờ nhằm tác động để các hãng hàng không nội địa điều chỉnh giờ bay, đảm bảo phù hợp với năng lực khai thác của các cảng hàng không.
Cơ quan này cũng đề xuất điều chỉnh mức giá dịch vụ cất, hạ cánh theo hướng tăng, đảm bảo đủ bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, đồng thời có nguồn tích lũy để nâng cấp, đầu tư mới đường băng, đường lăn theo định hướng của Nhà nước trong bối cảnh ngân sách hạn chế.
“Mức giá dịch vụ cất, hạ cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa đã được duy trì ổn định 5 năm (từ 2011 đến nay). Trong khi đó, so với bình quân khu vực ASEAN, giá dịch vụ cất, hạ cánh tàu bay với chuyến bay nội địa của Việt Nam khá thấp, chỉ bằng 47 - 67% tùy loại tàu bay”, ông Thanh cho hay.
Cũng theo đề xuất của Cục Hàng không, mức giá một số dịch vụ hàng không sẽ được điều chỉnh tăng trong thời gian tới. Cụ thể, giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không sẽ được áp mức 2 USD/khách đối với tuyến quốc tế (hiện tại là 1,5 USD) và 18.181 đồng/khách đối với tuyến quốc nội (hiện tại là 9.090 đồng).
Đối với giá dịch vụ hành khách tại cảng hàng không,mức thu đề xuất áp dụng đối với hành khách nội địa tại cảng hàng không nhóm A là 90.909 đồng, nhóm B là 72.727 đồng và nhóm C là 54.545 đồng.
Liên quan đến mức giá này, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị đang quản lý, khai thác 22 cảng hàng không trên cả nước cho biết, mức giá phục vụ hành khách quốc nội của Việt Nam hiện tại chỉ bằng khoảng 56% mức giá tương ứng bình quân khu vực ASEAN. Đó là chưa nói đến việc hiện nay, nhiều nhà ga phục vụ hành khách đã được cải tạo, nâng cấp, chất lượng phục vụ hành khách được nâng cao.
Đồng quan điểm, phía Cục Hàng không cho rằng, việc xây dựng giá phục vụ hành khách quốc nội cần được xem xét điều chỉnh, từng bước bù đắp chi phí về đầu tư xây dựng nhà ga hành khách quốc nội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate