Ngày 16/2/2024, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến “Đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới”.
Hội nghị được tổ chức ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo báo cáo của Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương), tháng 1/2024, sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh 18,3%, xuất khẩu tăng với tốc độ kinh ngạc 42%, nguồn cung các mặt hàng tại thị trường trong nước dồi dào, doanh thu dịch vụ tăng khá.
Nhằm xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và phương án cung ứng hàng hóa, Bộ Công Thương đã ban hành các chỉ thị, công điện và văn bản chỉ đạo địa phương, tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội doanh nghiệp và đơn vị liên quan triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm... Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng tiến hành làm việc với Sở Công Thương thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh về việc chuẩn bị Tết tại các địa phương.
Qua đó, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, thu mua hàng đầy đủ và tăng dự trữ, bảo đảm cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết. Hầu hết doanh nghiệp, tổng công ty đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc hàng hóa bị gián đoạn.
Hàng hóa chuẩn bị Tết tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, nông sản khô, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào, giá không có biến động lớn. Giá trị tổng lượng hàng dự trữ dự kiến cung ứng của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-12% so với các tháng thường trong năm. Đã có 46 tỉnh, thành phố có báo cáo/kế hoạch dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Về giá cả, nhìn chung so với cùng kỳ năm 2023, giá các loại gạo ở mức cao hơn từ 5-15% nhưng không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu. Hầu hết các mặt hàng thực phẩm tươi sống ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ, không đáng kể. Giá các mặt hàng thực phẩm chế biến ổn định trong những ngày cận Tết và tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.
Liên quan đến vấn đề cung ứng xăng dầu cho dịp Tết, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã đảm bảo nguồn hàng xăng dầu cho dịp Tết, cùng đó là sự phối hợp tích cực của các địa phương trong việc cung ứng mặt hàng này.
Về tình hình cung ứng điện, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ trước và trong Tết, việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia được bảo đảm, không xảy ra sự cố lớn về nguồn điện và lưới điện.
Ghi nhận những kết quả đạt được, song Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ rõ một số vấn đề còn tồn tại, như hàng gian, hàng giả, tình trạng gian lận thương mại vẫn xảy ra, nhất là trên môi trường thương mại điện tử; sản xuất công nghiệp, lưu thông, phân phối còn những khó khăn, vướng mắc do chồng chéo của các quy định hiện hành, sự rườm rà trong thủ tục hành chính. Hoạt động xuất, nhập khẩu đang chịu nhiều quy định về sản xuất carbon thấp, thuế tối thiểu toàn cầu, chế độ, trách nhiệm giải trình…
Về tình hình nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương tập trung cao độ việc rà soát nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, kịp thời phản ánh với cấp trên những gì vượt thẩm quyền, đồng thời triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch các địa phương, nhất là quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản.
Bộ trưởng lưu ý các địa phương chú trọng thực hiện tốt cung ứng xăng dầu, điện cho sản xuất và đời sống với phương châm trong bất kỳ tình huống nào cũng không để xảy ra đứt gãy nguồn cung; tập trung hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh bám sát tín hiệu thị trường, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại (FTA), cũng như triển khai thực hiện hiệu quả Đề án xuất khẩu chính ngạch mà Bộ Công Thương đã xây dựng và đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị đề xuất để đưa ra các cơ chế chính sách tạo đột phá, giải phóng nguồn lực trong xã hội, giải phóng nguồn lực các địa phương. Khuyến khích, hình thành, phát triển các doanh nghiệp đủ mạnh, dẫn dắt tăng trưởng.