July 21, 2025 | 21:44 GMT+7

Cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ có thể gặp trở ngại nếu Chủ tịch Fed bị sa thải

Bình Minh -

Nhiều nhà phân tích cho rằng hậu quả thực sự của việc ông Powell bị sa thải sẽ không xuất hiện ngay lập tức, mà sẽ xuất hiện dần dần...

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Reuters.

Trong những năm gần đây, nền kinh tế Mỹ đã trải qua một loạt cú sốc lạm phát, từ gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19, những gói kích cầu khổng lồ, giá năng lượng tăng mạnh do chiến tranh Nga - Ukraine, chính sách nhập cư siết chặt, thuế quan, và xu hướng tăng mạnh của nợ công.

Tuy nhiên, theo tờ báo Wall Street Journal, giới đầu tư vẫn tin tưởng rằng sau một vài năm nữa, lạm phát ở Mỹ sẽ giảm về ngưỡng 2% - mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đó là bởi họ tin rằng Fed sẽ làm tốt trong cuộc chiến chống lại sự leo thang của giá cả. Nhưng nếu Tổng thống Donald Trump tìm cách sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell và đạt mục đích, kỳ vọng đó có thể sẽ bị đảo lộn. Trong một kịch bản như vậy, Fed không còn giữ được sự độc lập khỏi Chính phủ, mà trở thành một phần của Chính phủ, khiến chống lạm phát có thể bị xếp sau những ưu tiên khác, chẳng hạn kiềm chế tiền lãi nợ công.

Nhiều nhà phân tích cho rằng hậu quả thực sự của việc ông Powell bị sa thải sẽ không xuất hiện ngay lập tức, mà sẽ xuất hiện dần dần, một khi áp lực lạm phát nổi lên và Fed - với nỗi lo khiến Tổng thống không hài lòng - không hành động đủ mạnh để chống lại áp lực đó. Ngoài ra, nhà đầu tư và công chúng sẽ không còn kỳ vọng lạm phát thấp sẽ là xu hướng chiếm ưu thế trong dài hạn nữa, và sự gia tăng của kỳ vọng lạm phát sẽ dẫn tới lạm phát trên thực tế cao hơn, và ngược lại, hình thành một vòng xoáy tự mạnh lên.

SỰ ĐỘC LẬP CỦA FED ĐANG BỊ ĐE DỌA

Tuần trước, ông Kevin Warsh, một cựu thống đốc Fed đang được cân nhắc để kế nhiệm ông Powell, đã tự tin tuyên bố chủ tịch tiếp theo của Fed sẽ giữ được độc lập. “Sự độc lập trong việc điều hành chính sách tiền tệ là điều cần thiết”, ông nói. Một ứng cử viên khác cho ghế Chủ tịch Fed là ông Kevin Hassett - cố vấn kinh tế của ông Trump - nhấn mạnh: “Mọi người tại Nhà Trắng đều hiểu rằng sự độc lập của Fed là vô cùng quan trọng”.

Nhưng liệu Fed có độc lập hay không là vấn đề không phụ thuộc vào chủ tịch tiếp theo của ngân hàng trung ương này. Nếu ông Trump có thể sa thải ông Powell, ông cũng có thể sa thải Chủ tịch Fed tiếp theo.

Hồi tháng 5, Tòa án Tối cao Mỹ đã chỉ ra rằng Tổng thống không thể cách chức một thống đốc Fed, bao gồm cả Chủ tịch Fed, trừ khi có lý do chính đáng. Hiện nay, giới chức chính quyền ông Trump dường như đang cố gắng thiết lập lý do để sa thải Powell bằng cách xoáy vào dự án cải tạo trụ sở của Fed, cho rằng đây là một dự án tốn kém quá mức cần thiết.

Giới quan sát cho rằng bằng việc chỉ trích dự án trên sẽ trở thành cái cớ để ông Trump thay thế ông Powell bằng một chủ tịch Fed khác sẵn sàng hạ lãi suất hơn. Và nếu ông Trump làm được việc này, ông có thể tìm ra lý do để cách chức người kế nhiệm ông Powell.

Một báo cáo mới đây của ngân hàng đầu tư Piper Sandler nói rằng cho dù ông Trump có cách chức ông Powell trước khi nhiệm kỳ Chủ tịch Fed của ông Powell có chính thức kết thúc vào tháng 5/2026 hay không, “người kế nhiệm sẽ hoài nghi về sự độc lập của người đó”. “Việc chính trị hóa Fed mà chúng ta đang chứng kiến là một diễn biến mang tính cột mốc”, báo cáo viết.

Những người theo chủ nghĩa hoài nghi có thể cho rằng Fed chưa bao giờ thực sự độc lập. Một số tổng thống Mỹ như Harry Truman, Lyndon Johnson, Richard Nixon và Ronald Reagan đều đã từng gây áp lực đòi Fed giữ lãi suất ở mức thấp.

Nhưng không giống như ông Trump, các tổng thống đó chủ yếu gây sức ép với Fed một cách kín đáo, vì họ hiểu rằng vẻ ngoài độc lập của Fed là một vấn đề quan trọng. Mặc dù vậy, việc Fed ngả theo áp lực đó đã góp phần đẩy lạm phát ở Mỹ lên cao trong những năm 1960 và 1970.

Từ năm 1993 đến nay, các tổng thống Mỹ đã tránh can thiệp vào chính sách tiền tệ, và lạm phát ở nước này đã giảm xuống khoảng 2% và duy trì ở mức đó cho đến năm 2021.

Các nhà phê bình gọi việc lạm phát tăng vọt lên hơn 7% trong giai đoạn 2021-2022 là bằng chứng cho thấy Fed - một cơ quan được cho là độc lập - đã thất bại trong nhiệm vụ kiểm soát giá cả. Nhưng trên thực tế, sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra và tình trạng thắt chặt của thị trường lao động đã khiến lạm phát phần nào trở nên tất yếu. Ông Powell - giống như hầu hết mọi người - đã không lường trước được việc những gián đoạn đó cộng hưởng với sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu do các biện pháp kích cầu sẽ thúc đẩy lạm phát như thế nào.

CUỘC CHIẾN CHỐNG LẠM PHÁT CÒN DỞ DANG

Một khi nhận ra điều đó, Fed đã tiến hành tăng lãi suất dồn dập, dẫn tới những nhận định rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Nhưng lạm phát đã giảm trở lại mà không dẫn đến suy thoái kinh tế Mỹ, một phần vì khi nguồn cung và nhu cầu trở lại trạng thái bình thường, tiền lương và giá cả tự điều chỉnh.

Dù vậy, cuộc chiến chống lạm phát của Fed vẫn chưa hoàn thành. Thước đo lạm phát căn bản mà Fed chú trọng vẫn đang cho thấy mức lạm phát khoảng 2,7%, cao hơn mục tiêu 2% của Fed. Tuần trước, Thống đốc Fed Chris Waller, một ứng cử viên tiềm năng khác cho ghế Chủ tịch Fed, nói rằng lạm phát lẽ ra đã gần mức 2% hơn nếu không tính đến tác động của thuế quan.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu ông Powell bị sa thải? Hồi tháng 5, các nhà kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs đã tiến hành nghiên cứu về sự thay đổi lãnh đạo ngoài kế hoạch của các ngân hàng trung ương trên thế giới và phát hiện thấy rằng lạm phát cao hơn 1-2 điểm phần trăm trong 2 năm sau đó, mà tăng trưởng không hưởng lợi gì.

Nhưng việc thay đổi lãnh đạo ngân hàng trung ương như vậy thường xảy ra ở các nền kinh tế mới nổi hơn là các nền kinh tế phát triển như Mỹ. Hồi năm 2021, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thay thống đốc ngân hàng trung ương nước này bằng một nhân vật trung thành với ông, và vị thống đốc mới đã giảm lãi suất trong lúc lạm phát đã ở mức 15%. Trong năm sau đó, đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ giảm chóng mặt và lạm phát ở nước này tăng vọt lên mức 85%.

Tất nhiên, Mỹ không giống như Thổ Nhĩ Kỳ, vì hệ thống tài chính của Mỹ được tin tưởng nhất thế giới, và một phần của uy tín đó là nhờ vào Fed. Nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy sự suy giảm của niềm tin, thể hiện qua việc đồng USD mất giá vàng giá vàng tăng mạnh trong năm nay. Điều đó có thể phản ánh mối lo ngại về việc ông Powell có thể bị cách chức.

Bài báo của Wall Street Journal kết luận rằng trong ngắn hạn, lạm phát của Mỹ nhiều khả năng sẽ giảm nhờ thị trường việc làm tăng trưởng chậm lại làm giảm bớt áp lực tăng lương. Khi nào nền kinh tế nóng lên và áp lực lạm phát trỗi dậy, đó sẽ là lúc mà sự độc lập của Fed trong việc thiết lập lãi suất sẽ có ảnh hưởng lớn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate