March 30, 2025 | 13:45 GMT+7

Cuộc chiến chống lạm phát của Tổng thống Argentina

An Huy -

Chiến lược tăng giá đồng Peso song song với nới lỏng các hạn chế nhập khẩu đã giúp kiềm chế vòng xoáy lạm phát, nhưng không phải là không đi kèm với những rủi ro...

Tổng thống Argentina Javier Milei - ẢNh: Bloomberg.
Tổng thống Argentina Javier Milei - ẢNh: Bloomberg.

Hoạt động nhập khẩu hàng hóa của Argentina đang diễn ra mạnh mẽ, khi Tổng thống Javier Milei của nước này chủ trương dựa vào đồng nội tệ tăng giá và hàng hóa nước ngoài giá rẻ để chống lạm phát. Sự đặt cược này của ông Milei diễn ra bất chấp sức ép đối với dự trữ ngoại tệ ít ỏi của quốc gia vùng Nam Mỹ.

Nền kinh tế Argentina đang trong tiến trình phục hồi sau thời gian suy thoái kéo dài. Trước đây, suy thoái kinh tế đã khiến hoạt động nhập khẩu của Argentina có những khoảng thời gian ảm đạm. Nhờ sự khởi sắc của nền kinh tế, nhập khẩu của nước này đã tăng 30% trong 6 tháng trở lại đây so với cùng kỳ năm trước.

Mì Ý, bánh mì Brazil và bơ Uruguay ngày càng xuất hiện nhiều trên các kệ hàng trong siêu thị ở Argentina, vì các nhà bán lẻ ở nước này gần như tăng gấp đôi lượng thực phẩm nhập khẩu trong hai tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm 2024. Lượng nhập khẩu pin mặt trời thậm chí tăng gấp 10 lần, trong khi lượng mua máy kéo từ nước ngoài của nông dân tăng gấp 4 lần, theo tờ báo Financial Times.

HAI MỤC TIÊU XUNG ĐỘT

Chiến lược tăng giá đồng Peso song song với nới lỏng các hạn chế nhập khẩu đã giúp kiềm chế vòng xoáy lạm phát, nhưng không phải là không đi kèm với những rủi ro. Việc chi nhiều ngoại tệ hơn cho nhập khẩu hàng hóa dẫn tới không tích lũy được dự trữ ngoại hối, khiến Argentina đối mặt nguy cơ dễ tổn thương hơn trước những cú sốc thị trường từ bên ngoài, hoặc một vụ phá giá đồng tiền ở mức độ lớn có thể đảo ngược tiến trình giảm lạm phát của Tổng thống Milei.

Tình thế hiện nay đang gây áp lực đòi hỏi ông Milei thuyết phục được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cấp cho một khoản vay để cải thiện dự trữ ngoại hối. Ông cho biết theo dự kiến, khoản vay này sẽ được giải ngân vào tháng 4/2025.

Việc đồng Peso tăng giá đã trở thành một chủ đề gây căng thẳng chính trị ở Argentina. Ông Milei liên tục chỉ trích các nhà kinh tế học nói về những rủi ro trong việc tăng giá đồng nội tệ, gọi họ là “những kẻ bịp bợm kinh tế”. Một số nhà bán lẻ đã từ chối phát biểu về vai trò của đồng Peso trong việc tăng lượng hàng nhập khẩu, với lý do lo ngại sẽ làm mếch lòng Tổng thống hoặc các nhà sản xuất địa phương.

Lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Argentina đang tăng nhanh nhất, với mức tăng gấp đôi ghi nhận trong tháng 2 - thời điểm một đoàn lãnh đạo doanh nghiệp Argentina có chuyến thăm Trung Quốc để tìm nguồn hàng - so với cùng kỳ năm 2024. Các giao dịch mua hàng ở nước ngoài thông qua các dịch vụ thương mại điện tử như Alibaba vốn bị hạn chế trước đây cũng tăng chóng mặt.

“Các nhà kho ở sân bay Buenos Aires dang chất đầy những kiện hàng”, ông Ruben Minond - chủ công ty bán lẻ xe đạp và phụ tùng xe đạp Tienda Bike - nói và cho biết đang tăng cường nhập xe hàng từ Trung Quốc. “Bây giờ, tôi nhập hàng ngoại nhiều hơn lấy hàng trong nước, vì hàng nhập ngoại rẻ hơn và việc nhập khẩu hàng cũng dễ hơn”.

Kim ngạch nhập khẩu 5,9 tỷ USD của Argentina trong tháng 2 không phải là chưa từng có tiền lệ. Trong thập kỷ qua, dòng chảy thương mại ở nước này không ngừng trồi sụt. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của nhập khẩu cho thấy thế cân bằng mong manh mà ông Milei đang phải duy trì để mang lại một sự ổn định lâu dài.

Giảm lạm phát từ mức cao nghiêm trọng của Argentina và khởi động lại tăng trưởng kinh tế là hai mục tiêu thường xung đột. Để chống lạm phát, ông Milei đã siết chặt việc kiểm soát tỷ giá.

Sau một đợt phá giá đồng tiền mạnh tay khi mới nhậm chức vào tháng 12/2023, ông Milei chỉ để đồng peso trượt giá 2% mỗi tháng trong năm 2024, mặc dù lạm phát cao hơn nhiều so với tỷ lệ đó. Theo Công ty tư vấn GMA Capital, việc kiểm soát đó đã khiến tỷ giá thực của đồng peso tăng 47%.

Sự tăng giá này của đồng peso đã làm suy yếu áp lực lạm phát. Cách đây một năm, tốc độ lạm phát hàng năm của Argentina ở mức gần 300%. Số liệu thống kê chính thức công bố vào tháng trước cho thấy lạm phát ở nước này giảm còn 84,5% trong tháng 1/2025. Tốc độ lạm phát hàng tháng đã giảm từ mức đỉnh 25% xuống còn 2-3% kể từ tháng 10/2024.

Nhưng cùng với đó, đồng nội tệ tăng giá khiến hàng hóa sản xuất trong nước của Argentina trở nên đắt đỏ hơn nhiều so với hàng hóa của các quốc gia khác nếu tính giá theo USD. Mặt khác, sức mua của người Argentina khi đi ra nước ngoài cũng tăng lên.

RỦI RO ĐỐI VỚI DỰ TRỮ NGOẠI HỐI

Bên cạnh việc nhập khẩu của Argentina tăng, người dân nước này cũng đi du lịch nước ngoài với số lượng gần như kỷ lục, vì đồng Peso mạnh khiến giá cả trên các bãi biển ở Brazil và trung tâm mua sắm ở Chile trở nên phải chăng đối với họ. Argentina đã ghi nhận mức chi tiêu USD cho du lịch hàng tháng cao thứ hai trong lịch sử vào tháng 1/2025, với 1,5 tỷ USD được người dân chi cho du lịch nước ngoài.

Vì thế, Argentina đã thâm hụt tài khoản vãng lai kể từ tháng 6/2024 tới nay, trong khi thặng dư thương mại hàng hóa của nước này giảm xuống xuống còn 224 triệu USD trong tháng 2/2025, từ mức hơn 1 tỷ USD mỗi tháng trong hầu hết thời gian của năm 2024.

“Đây là thiệt hại đi kèm của chính sách kiểm soát chặt tỷ giá hối đoái”, ông Ramiro Blazquez Giomi, chiến lược gia khu vực Mỹ Latinh và Caribe tại Công ty dịch vụ tài chính StoneX, nhận định với Financial Times. “Trong ngắn hạn, thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng tăng sẽ gây áp lực lên nguồn cung USD mà Chính phủ Argentina cần phải có để giữ đồng tiền ổn định và tránh tình trạng lạm phát leo thang trở lại”.

Ông Blazquez lưu ý rằng nhiều nền kinh tế đang phát triển có sự tăng trưởng lành mạnh cũng đang ở trong tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai và chủ yếu bù đắp thâm hụt này bằng dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng Argentina, quốc gia còn chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, đang nhận được rất ít vốn đầu tư nước ngoài và không thể vay vốn từ thị trường trái phiếu.

Do đó, nếu không có thặng dư tài khoản vãng lai, ông Milei sẽ không thể xây dựng được dự trữ ngoại hối từ mức không đáng kể mà ông tiếp quản từ chính quyền tiền nhiệm. Sau khi trừ đi các nghĩa vụ nợ, dự trữ ngoại hối của Argentina chỉ còn khoảng 6 tỷ USD.

Tuy nhiên, điều này không hề khiến ông Milei nao núng. Chính phủ của ông đang cắt giảm thuế quan và các quy định hải quan rườm rà đối với hàng trăm mặt hàng. “Chúng tôi đang tiếp tục cắt giảm thuế và thuế quan để kích thích cạnh tranh và kéo lạm phát xuống”, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Luis Caputo tuyên bố khi tiến hành cắt giảm thuế đối với hàng dệt may - một trong những ngành được bảo hộ nhiều nhất của Argentina.

Lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất phàn nàn rằng sự gia tăng nhập khẩu sẽ dẫn tới một làn sóng sa thải trong lĩnh vực đang sử dụng gần 1/5 lực lượng lao động cả nước. Trong khi đó, giới chức chính phủ nói các nhà sản xuất đang được hưởng lợi từ việc nhập khẩu linh kiện rẻ hơn và các doanh nghiệp cần phải nâng cao sức cạnh tranh.

Với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ có ý nghĩa quan trọng sắp diễn ra tháng 10/2025, ông Milei đã cam kết tránh một động thái phá giá mạnh tay đối với đồng Peso. “Nếu ông Milei giữ lời hứa đó, chúng ta sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng rất mạnh mẽ của nhập khẩu hàng hóa và thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ càng sâu hơn trong năm nay”, CEO Martin Rapetti của Tổ chức tư vấn Equilibra nhận định. “Tỷ giá hối đoái thực tế của đồng Peso đang cao lịch sử và theo quan điểm của tôi, đó là động lực cơ bản của việc tăng nhập khẩu”, ông Rapetti nhấn mạnh.

Nhưng ông Dante Sica, cựu Bộ trưởng Bộ Sản xuất của Argentina, lập luận rằng tăng trưởng nhập khẩu sẽ sớm ổn định, vì tốc độ tăng trưởng này chủ yếu phản ánh “việc bình thường hóa” nhu cầu của người tiêu dùng và việc Tổng thống Milei bãi bỏ các biện pháp hạn chế nhập khẩu cồng kềnh.

Ông Sica cũng cho rằng xuất khẩu dầu khí được đẩy mạnh sẽ bù đắp cho việc nhập khẩu tăng, qua đó duy trì cán cân thương mại ở trạng thái dương. Xuất khẩu dầu khí của Argentina đang trên đà đạt thặng dư 8 tỷ USD trong năm 2025 so với 4 tỷ USD trong năm 2024, nhờ sản lượng tăng tại một mỏ dầu đá phiến khổng lồ ở Patagonia. “Miễn là cán cân thương mại dương, sẽ có nguồn tài chính. Tôi không cho rằng tài khoản vãng lai là một vấn đề tài chính của Argentina”, ông Sica cho biết thêm...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 13-2025 phát hành ngày 31/3/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1308

Cuộc chiến chống lạm phát của Tổng thống Argentina - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate