Đánh giá này được ông Kokou Agbo-Bloua, nhà kinh tế hàng đầu của ngân hàng Societe General đưa ra trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu “nín thở” đợi dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ dự kiến công bố trong tuần này. Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 vào ngày thứ Tư, tiếp đến là báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 6 vào ngày thứ Năm.
NGUYÊN NHÂN LẠM PHÁT CAO DAI DẲNG
Đến hiện tại, CPI lõi - thước đo lạm phát không tính đến giá của hai nhóm mặt hàng có độ biến động lớn là thực phẩm và năng lượng - của Mỹ còn đang duy trì ở mức cao, cho dù lạm phát toàn phần đang giảm dần về ngưỡng mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed), tức ngân hàng trung ương Mỹ, đề ra.
Tình trạng thắt chặt dai dẳng của thị trường lao động và sự vững vàng không thể phủ nhận của nền kinh tế dẫn tới việc thị trường tài chính Phố Wall đang xác định khả năng hơn 90% Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào cuối tháng này, lên mức 5,25-5,5% - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của CME Group.
Trong tháng 5, CPI toàn phần của Mỹ giảm còn 4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất trong hơn 2 năm, nhưng CPI lõi tháng 5 vẫn tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Các ngân hàng trung ương cần gây ra một cuộc suy thoái kinh tế để đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng và nhu cầu sụt giảm. Nhưng đến hiện tại, họ chưa làm được điều đó”.
Ông Kokou Agbo-Bloua, nhà kinh tế của ngân hàng Societe General
Đánh giá về tình trạng hiện tại của nỗ lực mà các nhà hoạch định chính sách tiền tệ toàn cầu triển khai để chống lạm phát, ông Agbo-Bloua dẫn một câu nói nổi tiếng của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill hồi năm 1942: “Bây giờ chưa phải là chương kết, thậm chí còn còn chưa phải là sự bắt đầu của chương kết. Có lẽ, đây là đoạn kết của chương đầu”.
“Nguyên nhân gốc gác dẫn tới tình trạng lạm phát cao hiện nay là việc các chính phủ đã chi một lượng tiền khổng lồ để đưa nền kinh tế vượt qua đại dịch. Lượng tiền đó tương đương khoảng 10-15% tổng GDP toàn cầu”, ông Agbo-Bloua - người hiện giữ cương vị phụ trách toàn cầu về nghiên cứu kinh tế của Societe Generale - nhận định.
“Vấn đề thứ hai, ngoài cuộc chiến tranh ở Ukraine gây ra những gián đoạn về chuỗi cung ứng, còn có lượng tiền tiết kiệm dôi dư khổng lồ, dẫn tới việc các công ty có được khả năng tăng giá cả mà không lo bị người tiêu dùng quay lưng. Đó là lý do vì sao chúng ta chứng kiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp đang ở mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây”, vị chuyên gia nói.
Cũng theo ông Agbo-Bloua đã phát triển được “miễn dịch tự nhiên” với lãi suất, bởi họ có thể cân bằng được bảng cân đối kế toán và đẩy giá đầu vào cao hơn về phía người tiêu dùng, và người tiêu dùng giờ đây cũng kỳ vọng giá cả hàng hoá và dịch vụ ngày càng tăng.
“Chưa kể, thị trường lao động đang cực kỳ thắt chặt và tốc độ tăng trưởng năng suất lao động giảm xuống, đẩy chi phí nhân công trên mỗi đơn vị sản phẩm và dịch vụ tăng lên”, ông Agbo-Bloua nhấn mạnh.
“Các ngân hàng trung ương cần gây ra một cuộc suy thoái kinh tế để đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng và nhu cầu sụt giảm. Nhưng đến hiện tại, họ chưa làm được điều đó”.
Ngoài ra, ông Agbo-Bloua nói rằng ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt đối với nền kinh tế thường có độ trễ từ 3-5 quý. Nhưng ông lưu ý rằng lượng tiền tiết kiệm dôi dư tích luỹ trong thời gian đại dịch giúp tạo ra một tấm đệm bổ sung cho người tiêu dùng và các hộ gia đình, còn các công ty vẫn có thể cân bằng được bảng cân đối kế toán. Vị chuyên gia cho rằng điều này đã giúp giữ cho thị trường lao động đứng vững, dẫn tới độ trễ của ảnh hưởng chính sách tiền tệ sẽ kéo dài hơn nữa.
“FED CẦN TĂNG LÃI SUẤT CHO TỚI KHI CÓ SUY THOÁI”
Theo ông Agbo-Bloua, để giữ uy tín, các ngân hàng trung ương, nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cần tăng lãi suất cho tới khi xảy ra suy thoái kinh tế.
“Chúng tôi cho rằng suy thoái hoặc giảm tốc tăng trưởng sẽ xảy ra ở Mỹ trong quý 1 năm tới, vì các đợt thắt chặt tích tụ từ trước tới nay rốt cục sẽ phát huy ảnh hưởng”, nhà kinh tế trưởng của Societe Generale dự báo.
“Rồi ở châu Âu, chúng tôi không cho là sẽ xảy ra suy thoái nữa, vì nhu cầu sẽ cao hơn từ 2-3% so với nguồn cung. Nền kinh tế khu vực này sẽ giảm tốc chứ không suy thoái”.
Các nền kinh tế đã có sự khởi động năm 2023 tốt hơn kỳ vọng và hầu hết cho tới hiện tại đã tránh được suy thoái, nhưng suy thoái là việc chỉ “bị trì hoãn chứ không thể tránh”.
Ông Nathan Thooft, trưởng bộ phận phân bổ tài sản toàn cầu của Manulife Asset Management
Nói về việc suy thoái ở Mỹ sẽ bắt đầu “bám rễ” ở đâu, ông Agbo-Bloua nói suy thoái trước hết sẽ ngấm vào biên lợi nhuận của doanh nghiệp, vốn đang duy trì gần mức cao kỷ lục, thông qua “hiện tượng tăng trưởng tiền lương, vì tiền lương tăng sẽ bào mòn lợi nhuận”.
“Một vấn đề nữa là các xu hướng tiêu dùng cũng đang chậm lại, nên tôi nghĩ đây sẽ là một sự kết hợp của tất cả những yếu tố mà rốt cục sẽ khiến nền kinh tế giảm tốc. Nhưng lãi suất có thể phải tiếp tục tăng thêm nữa tước khi điều đó xảy ra”, ông nói.
Quan điểm của ông Agbo-Bloua nhận được sự đồng tình của ông Nathan Thooft, trưởng bộ phận phân bổ tài sản toàn cầu của Manulife Asset Management. Ông Thooft nhận định các nền kinh tế đã có sự khởi động năm 2023 tốt hơn kỳ vọng và hầu hết cho tới hiện tại đã tránh được suy thoái, nhưng suy thoái là việc chỉ “bị trì hoãn chứ không thể tránh”.
“Sự thắt chặt của điều kiện tín dụng và dòng chảy vốn vay chậm lại cho thấy đến hiện tại, chúng ta đã trì hoãn được suy thoái, nhưng không tránh được suy thoái”, ông Thooft nhận định trong một báo cáo hôm thứ Sáu tuần vừa rồi. “Nhưng điều quan trọng hơn việc suy thoái có xảy ra hay không là việc liệu chúng ta sẽ mắc kẹt bao lâu trong tình trạng tăng trưởng GDP thấp hơn xu hướng”.
Theo dự báo của ông Thooft, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt khoảng 2,5% trong năm nay và năm tới, thấp hơn mốc 3% - ngưỡng tăng trưởng để nền kinh tế thế giới không bị cho là suy thoái. “Nếu các dự báo là đúng, điều đó có nghĩa là GDP toàn cầu sẽ thấp hơn 15,2% so với xu hướng - một kịch bản chỉ xảy ra vào năm 2020 và trong thập niên 1940”, ông nói.