Tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã ngừng xuất khẩu gallium và germanium, hai loại nguyên tố hiếm quan trọng dùng trong sản xuất thiết bị bán dẫn, một tháng sau khi Bắc Kinh áp lệnh hạn chế xuất khẩu hai khoáng sản này vì lý do an ninh quốc gia.
Trung Quốc chiếm khoảng 80% sản lượng gallium và 60% sản lượng germanium toàn cầu – theo dữ liệu từ Critical Raw Materials Alliance được hãng tin CNN trích dẫn. Trong tháng trước, Trung Quốc không hề bán hai khoáng sản này ra thị trường quốc tế - theo dữ liệu Hải quan Trung Quốc công bố ngày 21/9. Trước đó, trong tháng 7, Trung Quốc xuất khẩu 5,15 triệu tấn sản phẩm gallium và 8,1 triệu tấn sản phẩm germanium.
Khi được hỏi về việc Trung Quốc không xuất khẩu gallium và germanium trong tháng 8, người phát ngôn He Yadong của Bộ Thương mại Trung Quốc tại một cuộc họp báo ngày 21/9 nói rằng cơ quan này đã nhận được đơn xin xuất khẩu hai nguyên tố hiếm trên từ doanh nghiệp. Ông He nói một số đơn đã được phê chuẩn, nhưng không nói cụ thể hơn.
Việc Trung Quốc ngừng xuất khẩu hai nguyên tố hiếm quan trọng đối với con chip là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng trả đũa các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Mỹ, bất chấp những lo ngại về tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục âm ỉ.
Trung Quốc đang đương đầu với tình trạng suy yếu của nhu cầu trong nước và cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản. Tháng trước, xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong hơn 3 năm, trở thành một đòn giáng nữa vào sự phục hồi kinh tế ngày càng mong manh. Giới phân tích nói rằng hạn chế xuất khẩu là “con dao hai lưỡi” có thể gây tổn thất cho nền kinh tế và đẩy nhanh sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.
Trung Quốc có thể là nước xuất khẩu lớn nhất gallium và germanium, nhưng thế giới còn có các nhà sản xuất khác, cũng như các khoáng chất khác có thể thay thế hai loại nguyên tố hiếm này – theo các nhà phân tích của công ty tư vấn Eurasia Group.
Trong khi đó, ảnh hưởng của việc Trung Quốc ngừng xuất khẩu hai nguyên tố hiếm đã thể hiện rõ ở nước này. Giá gallium ở Trung Quốc đã giảm mạnh, trong bối cảnh kiểm soát xuất khẩu khiến lượng tồn kho tăng mạnh.
Ngày 21/9, giá gallium giao ngay tại thị Thị trường Kim loại Thượng Hải đứng ở mức 1.900 nhân dân tệ (260 USD)/tấn, giảm gần 20% so với thời điểm đầu tháng 7. Giá germanium giao ngay tăng nhẹ do nguồn cung thắt chặt, đạt mức 10.050 nhân dân tệ (1.376 USD)/tấn.
Hồi tháng 7, Trung Quốc nói rằng gallium và germanium, hai kim loại được sử dụng trong nhiều sản phẩm gồm con chip máy tính và tấm pin năng lượng mặt trời, sẽ trở thành đối tượng kiểm soát xuất khẩu để bảo vệ “lợi ích và an ninh quốc gia”. Từ ngày 1/8, các nhà xuất khẩu Trung Quốc cần phải nộp đơn xin cấp phép đặc biệt để có thể xuất khẩu hai nguyên tố hiếm này.
Động thái này của Bắc Kinh đẩy cao cuộc chiến công nghệ với Washington, khi hai bên quyết tâm cản trở nỗ lực của đối phương trong việc tiếp cận và sở hữu công nghệ sản xuất chip tiên tiến – công nghệ giữ vai trò quyết định đối với các sản phẩm từ smartphone cho tới ô tô tự lái và vũ khí quân sự.
Tháng 10 năm ngoái, chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố một loạt biện pháp xuất khẩu nhằm cấm doanh nghiệp Trung Quốc mua con chip và thiết bị sản xuất con chip tiên tiến của Mỹ mà không có sự cho phép của Washington. Tuy nhiên, chiến dịch này của Mỹ chỉ có thể thành công nếu các quốc gia khác cũng tham gia. Năm nay, Nhật Bản và Hà Lan đã tham gia cùng Mỹ, siết chặt thêm việc bán con chip cho Trung Quốc.
Trung Quốc đã đáp trả bằng cách mở một cuộc điều tra an ninh mạng nhằm vào hãng chip Mỹ Micron hồi tháng 4, trước khi cấm Micron cung cấp cho các công ty Trung Quốc đang triển khai các dự án hạ tầng quan trọng.
Giới phân tích dự báo Mỹ có thể triển khai thêm các biện pháp hạn chế về con chip nhằm vào Trung Quốc, sau khi hãng công nghệ Trung Quốc Huawei giới thiệu mẫu smartphone cao cấp Mate 60 Pro vào tháng trước - một sản phẩm gây chấn động trong thế giới công nghệ. Mate 60 Pro được trang bị một con chip hiện đại được tạo ra bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm ngăn “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc tiếp cận với công nghệ như vậy.
Cuộc trình làng của Mate 60 Pro đã “gây áp lực chính trị” đối với Mỹ trong việc gia tăng trừng phạt đối với Huawei và hãng chip Trung Quốc SMIC – đơn vị được cho là đã làm con chip cho Mate 60 Pro, một báo cáo của Jefferies nhận định. “Chúng tôi dự báo chính quyền ông Biden sẽ tập trung vào siết chặt lệnh cấm chip nhằm vào Trung Quốc trong quý 4 năm nay”, báo cáo của Jefferies viết.