March 20, 2009 | 12:30 GMT+7

Cuộc chiến không cân sức của phôi thép nội

Mạnh Đức

Nhiều doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước đang đứng trước nguy cơ ngừng sản xuất, thậm chí phá sản

Những doanh nghiệp thép vừa ra đời đã phải đối mặt với thua lỗ và có nguy cơ phá sản do sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ - Ảnh: Việt Tuấn.
Những doanh nghiệp thép vừa ra đời đã phải đối mặt với thua lỗ và có nguy cơ phá sản do sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ - Ảnh: Việt Tuấn.
Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước đang đứng trước nguy cơ ngừng sản xuất, thậm chí phá sản do không thể cạnh tranh được với phôi thép đang chào bán với giá rẻ từ các nước như Nga, Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ...

Trước những khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất phôi và thép trong nước, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có Công văn số 23/HHTVN kiến nghị Chính phủ có biện pháp kịp thời nâng thuế nhập khẩu phôi từ 5% lên 15% và sản phẩm thép từ 12% lên 22% để ngăn chặn tình trạng các nước xuất khẩu và bán phá giá tại thị trường Việt Nam.

Thua lỗ nặng vì phôi thép nhập khẩu


Giá nhập khẩu thấp cùng với thuế nhập khẩu phôi thép chỉ ở mức 5% hiện nay đang khiến hầu hết các doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước lâm vào tình trạng thua lỗ nặng nề vì không thể cạnh tranh được với phôi thép giá rẻ nhập khẩu từ các nước như Nga, Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ...

VSA cho biết, chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm nay, lượng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam đã lên tới 154 nghìn tấn, với mức giá dao động quanh 400 USD/tấn (CIF).

Riêng khu vực Viễn Đông và Địa Trung Hải, giá phôi thép chỉ ở mức 300 USD/tấn. Với mức giá này, khi về đến cảng Việt Nam cộng với chi phí vận chuyển và một số chi phí khác cũng chỉ vào khoảng 350 USD/tấn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đang phải nhập khẩu sắt thép phế để đầu tư sản xuất phôi.

Tuy nhiên, giá sắt thép phế nhập khẩu hiện nay đã khoảng 240 USD/tấn, cộng với chi phí sản xuất ra một tấn phôi thép bình quân là 150 USD/tấn, chưa kể chi phí vận chuyển, khấu hao máy móc, nhà xưởng thì đã xấp xỉ 400 USD/tấn.

Với mức chênh lệch khoảng 100 USD/tấn thì trên thực tế không doanh nghiệp nào tính đến chuyện đầu tư sản xuất trong nước.

Theo giải thích của ông Nguyễn Quốc Hoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vạn Lợi, nguyên nhân khiến giá nhập khẩu phôi thép thế giới giảm mạnh là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp vùng Viễn Đông đã tìm mọi cách, kể cả chấp nhận thua lỗ (bán dưới giá thành) để thu hồi vốn, hoặc chính phủ của các nước này có chính sách ưu đãi thuế xuất khẩu.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Theo tính toán của ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch VSA, tổng công suất của các nhà phôi thép hiện nay đã lên tới 3,6 triệu tấn và trong năm nay có khả năng sẽ có thêm một số nhà máy khác đi vào hoạt động thì tổng công suất đạt gần 6 triệu tấn.

Như vậy, những doanh nghiệp vừa ra đời đã phải đối mặt với thua lỗ và có nguy cơ phá sản do sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ.

Tăng thuế, không còn nhiều tác dụng?

Trước nguy cơ đình đốn của các doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước, mới đây VSA đã có cuộc họp với các công ty sản xuất phôi, cán thép phía Bắc và tham khảo ý kiến của hai công ty thép lớn phía Nam là Công ty Thép Miền Nam và Công ty Thép Việt.

Thông qua cuộc họp này, các ý kiến đều cho rằng, giá bán phôi thép phụ thuộc rất lớn vào chính sách thuế nhập khẩu. Trong khi mức thuế nhập khẩu cán thép hiện ở mức 12% và nhập khẩu phôi thép 5% thì không đủ bảo hộ các nhà sản xuất trong nước.

Ông Nghi cho biết, lợi nhuận từ những lò luyện phôi thép đỏ lửa 10 tháng trước đây cũng không cứu được cơn thua lỗ trầm trọng của các doanh nghiệp sản xuất phôi đến thời điểm này. Giá phôi thép trên thế giới tiếp tục biến động theo hướng trái ngược nhưng xu hướng chủ yếu là đi xuống.

Còn ngành luyện phôi trong nước có thể không trụ nổi, do những biến động kiểu này.

Vì vậy, việc đề nghị tăng thuế nhập khẩu phôi thực tế cũng không giúp được gì nhiều cho các doanh nghiệp.

Trong 4 loại thuế mà Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính điều chỉnh thì đáng chú ý nhất là việc đề nghị nâng mức thuế suất thuế nhập khẩu phôi từ 5% lên 15%.

Văn bản này phân tích rằng hiện tượng nhiều nước xuất khẩu bán phá giá phôi thép và sản phẩm thép vào thị trường Việt Nam với số lượng ngày càng lớn là sức ép thứ nhất.

Sức ép thứ hai là các nhà máy sản xuất phôi từ sắt thép phế liệu hay quặng sắt để sản xuất thép cán như gang thép Thái Nguyên đều không có khả năng cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, không còn khả năng duy trì sản xuất, không có khả năng trả nợ ngân hàng, công nhân phải nghỉ việc là một hậu quả tất yếu.

Theo VSA lượng thép thành phẩm tiêu thụ trong tháng 2 tăng nhẹ ở mức 240.000 ngàn tấn. Tuy có điều chỉnh, tăng giảm giá đôi chút ở những ngày khác nhau mà chủ yếu là theo xu hướng giảm giá để đẩy lượng hàng tồn kho và mới sản xuất ra thị trường.

Trong khi, các doanh nghiệp cán thép vẫn trong xu hướng chuyển động, có đầu vào và đầu ra, thì hầu hết các doanh nghiệp sản xuất phôi bán cho các nhà máy cán đã hết đường cách xoay xở.

Tất cả các doanh nghiệp luyện phôi trong nước như Đình Vũ, Vạn Lợi... rất thấm thía với nỗi khổ này, vì là doanh nghiệp luyện phôi với công suất lớn, thì khả năng thua lỗ càng nặng, thậm chí phá sản, không trả nổi các khoản nợ ngân hàng là điều khó tránh khỏi.

Một chuyên gia lâu năm trong ngành thép cho rằng, trong tương lai xa, ngành công nghiệp thép phải được xây dựng từ việc sản xuất phôi để cán thép, chứ không phải nhập phôi về cán như hàng chục năm nay vẫn làm.

Vì vậy, nếu trong lúc này, ngành công nghiệp phôi thép non trẻ của Việt Nam không được bảo hộ để vượt qua giai đoạn khó khăn thì các nhà máy cán thép trong nước sẽ quay trở lại phụ thuộc vào nguồn phôi nhập khẩu như bấy lâu nay.

Tuy nhiên, vấn đề không phải là việc kêu gọi bảo hộ, mà chính là quan điểm để phát triển ngành công nghiệp sản xuất thép trong nước. Trong khi đó, theo lộ trình gia nhập WTO mà Việt Nam cam kết, thì mức thuế nhập khẩu tối đa đối với sản phẩm phôi thép trong các năm 2009 -2010 vẫn được phép lên tới 17%.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate