October 09, 2008 | 09:05 GMT+7

“Dự báo nhu cầu thép đã hơi lạc quan quá”

Từ Nguyên

Tình trạng ảm đạm hiện nay của thị trường thép có nguyên nhân từ đâu, và thị trường cuối năm sẽ diễn biến thế nào?

"Nhiều khả năng, trong 3 tháng cuối năm, nhà nước sẽ tiến hành giải ngân cho các dự án đang xây dựng để các công ty có thể hoàn thành kế hoạch vào cuối năm" - Ảnh: Từ Nguyên.
"Nhiều khả năng, trong 3 tháng cuối năm, nhà nước sẽ tiến hành giải ngân cho các dự án đang xây dựng để các công ty có thể hoàn thành kế hoạch vào cuối năm" - Ảnh: Từ Nguyên.
Tình trạng ảm đạm hiện nay của thị trường thép có nguyên nhân từ đâu, và thị trường cuối năm sẽ diễn biến thế nào?

Xung quanh chủ đề này, trao đổi với VnEconomy, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - nói:

- Trước hết đó là do chủ trương cắt giảm đầu tư của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, nên có nhiều công trình lớn buộc phải đình hoãn, tạm dừng thi công đã khiến nhu cầu tiêu thụ của nhóm công trình này sụt giảm khá lớn.

Ngoài ra, cũng cần phải tính đến nguyên nhân khó khăn chung của nền kinh tế thế giới nên những dự án đầu tư vào Việt Nam cũng bị chậm lại. Hơn nữa, nếu trước đây chúng ta xuất khẩu mạnh sang các nước nhưng hiện nay họ cũng không ký hợp đồng nữa vì họ cũng dư thừa.

Nhưng, nhiều doanh nghiệp cho rằng, để thị trường sụt giảm như hiện nay thì có nguyên nhân của công tác dự báo yếu kém, thưa ông?

Đúng là có nguyên nhân của công tác dự báo, bởi kể cả các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý cũng không thể ngờ rằng, thị trường lại biến động quá lớn và sụt giảm bất ngờ đến như vậy.

Trong thời gian qua, dự báo về nhu cầu thép đã hơi lạc quan quá khiến các doanh nghiệp đã đổ xô sản xuất, nhập khẩu thép để đáp ứng nhu cầu xây dựng của xã hội. Và dự báo đã sai khi nền kinh tế của chúng ta đối mặt với lạm phát cao, nhiều công trình phải đình hoãn, cắt giảm, dẫn đến tình trạng dư thừa thép như hiện nay.

Tiếp tục kiến nghị giảm thuế xuất khẩu thép

Việc giảm thuế xuất khẩu xuống 5%  có tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thép giảm bớt khó khăn không, thưa ông?

Theo tôi thì đó cũng là một động thái tích cực để hỗ trợ ngành thép trong lúc khó khăn này. Tuy nhiên, tác động của quyết định này cũng không lớn lắm, bởi hiện nay, giá thép thế giới cũng đang sụt giảm mạnh và đang có tình trạng các nước đổ xô bán tháo thép dư thừa.

Hiện nay, phôi thép trên thị trường thế giới có giá từ 550 -560 USD/tấn, trong khi đó giá phôi sản xuất trong nước cũng phải bán ở mức 11 triệu đồng/tấn, cao hơn nhiều so với giá thế giới.

Hơn nữa, đề nghị của chúng tôi là giảm xuống 2% và có lộ trình xuống 0% để tạo thuận lợi cho đầu ra cho doanh nghiệp sản xuất thép, bởi hiện nay lượng thép dư thừa trong nước cũng rất lớn.

Hiện nay, theo tính toán sơ bộ thì lượng thép tồn đọng đã lên tới 1 tỷ USD. Với giá trị lớn như vậy liệu có ảnh hưởng nghiệm trọng đến ngành thép hay không và Hiệp hội đã tính đến phương án giải quyết chưa, thưa ông?

Hiện các doanh nghiệp sản xuất thép đang tồn đọng khoảng hơn 540 nghìn tấn phôi và khoảng 400 nghìn tấn thép thành phẩm. Nếu nhân bình quân với giá khoảng 1.000 USD/tấn thì tương đương hơn 1 tỷ USD.

Do vậy, theo tôi thì giải pháp đầu tiên mà các doanh nghiệp phải áp dụng là giảm giá, chấp nhận lỗ, để thu hồi được phần nào vốn tồn đọng, đồng thời phải ngừng sản xuất mới.

Còn về phía hiệp hội, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị với Bộ Tài chính để giảm thuế xuất khẩu xuống 0% để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong xuất khẩu.

Giá càng giảm càng tiêu thụ chậm

Nhưng, nếu giá thép giảm thì cũng là cơ hội để nhiều người dân có thể xây dựng nhà ở và các công trình của mình, thưa ông?

Đối với thị trường thép thì gần như ngược lại. Nếu giá thép cao thì tiêu thụ thép lại dễ dàng hơn, vì tâm lý chung là: nếu không mua ngay thì sẽ còn tăng cao nữa, đi kèm với đó là hoạt động đầu cơ tích trữ cũng tăng lên.

Nhưng ngược lại, nếu giá thép giảm thì ai cũng có tâm lý chờ đợi là sẽ giảm tiếp nên cầu lại tiếp tục giảm. Điều này vừa là nghịch lý nhưng cũng là hợp lý. Điều quan trọng là điều hành vĩ mô phải linh hoạt để các doanh nghiệp không phải rơi vào tình trạng khó khăn sau mỗi chính sách.

Vậy, liệu các liên hợp thép liệu trong thời gian tới có dư thừa không, thưa ông?

Những dự án thép đang và sắp xây dựng chủ yếu là của các nhà đầu tư nước ngoài. Với tầm nhìn dài hạn, họ cho rằng, khó khăn của ngành thép Việt Nam hiện nay chỉ là khó khăn trong ngắn hạn.

Hơn nữa. để trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 thì nhu cầu thép phải đạt 500kg/ người, trong khi hiện nay chỉ có 120 kg/người. Do vậy, họ xác định, về lâu dài, tiềm năng của thị trường thép là rất lớn và vẫn rất hấp dẫn.

Vậy, ông có dự báo gì về thị trường thép trong những tháng cuối năm nay?

Theo tôi thì nhiều khả năng, trong 3 tháng cuối năm, Nhà nước sẽ tiến hành giải ngân cho các dự án đang xây dựng để các công ty có thể hoàn thành kế hoạch vào cuối năm.

Do đó, chúng tôi hy vọng, 3 tháng tới thị trường thép sẽ có chuyển biến tích cực hơn so với tình hình hiện nay.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate