Trước khi vào niên vụ mía đường 2007-2008, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã tổ chức “Hội nghị toàn thể thành viên”, thống nhất giá mua mía (10 chữ đường) tại ruộng là 350.000 - 400.000 đồng/tấn và giá đường trắng (loại 1) bán ra dự kiến là 6.500 đồng/kg.
Các đại biểu cũng thống nhất và kiến nghị Hiệp hội cần phối hợp chặt chẽ giữa công ty và nhà máy đường từng tiểu vùng và toàn hiệp hội trong tổ chức thu mua mía và tiêu thụ đường. Thế nhưng, tan họp giám đốc nào về nhà máy ấy và lao vào “cuộc chiến” tranh giành nguyên liệu (!)
Mạnh ai nấy mua...
Năm nay ĐBSCL có thêm nhà máy đường Long Mỹ Phát. Khác với mọi năm 9 nhà máy cùng đồng loạt vào vụ ép, sớm hơn những năm trước nửa tháng. Điều làm cho người dân vùng mía sớm, chạy lũ Phụng hiệp (Hậu Giang) bất ngờ là cùng thời điểm này năm ngoái giá mía rớt thê thảm, người trồng mía mời chào, năn nỉ thương lái đến mỏi mồm nhưng không ai thèm mua. Hàng ngàn ha mía trổ cờ, chết đứng giữa đồng, dân lỗ đậm.
Năm nay tình hình đảo ngược hoàn toàn. Mới vào đầu vụ, thương lái khắp các tỉnh ĐBSCL đổ xô về Phụng Hiệp tranh giành nhau mua mía. Họ lùng sục vào tận ấp, đến tận nhà, người trồng mía chưa bán thì họ đặt tiền cọc, nâng giá “ép” nông dân bán cả mía non. Cuối tháng 10 giá mía đang từ 340 - 360 đồng/kg, sang tháng 11 tăng lên 400 đồng/kg, rồi 450 - 500 đồng/kg. Riêng mía GOC 16 thương lái tranh nhau mua với giá 650 đồng/ kg. Biết bán mía non là thiệt, nhưng đầu vụ giá mía theo chiều hướng có lợi cho bà con nông dân nên họ bán. Bán để trả nợ ngân hàng, để trang trải chi tiêu...
Bán để tránh lũ và điều quan trọng hơn tận dụng đất làm thêm vụ lúa, tăng thu nhập. Cuối tháng 11, bà con nông dân Phụng Hiệp đã cơ bản đốn xong mía.Theo ông Lê Thế Tự, Phó phòng nông nghiệp Phụng Hiệp, vụ này toàn huyện trồng được 7.686 ha mía, ít hơn năm ngoái 300 ha. Diện tích giảm, nhưng năng suất đạt tới 120 tấn/ha. Mía được mùa, được giá, mỗi nhà trồng khoảng 3 - 5 công mía, sau khi trừ mọi khoản chi phí cũng thu lãi 5-8 triệu đồng. Ông Tự vui vẻ kết luận: “Mừng cho nông dân, vụ này sống khoẻ với cây mía!”.
Tại vùng mía các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng giá mía cũng thay đổi từng ngày. ở Cù Lao Dung, Sóc Trăng, bà con nông dân phấn khởi cho biết: vụ này cầm chắc lãi 15 - 20 triệu đồng/ha.Có một điều khó hiểu là, đầu vụ giá mía tăng, lời nhiều, nhưng một số người trồng mía không bán.
Hỏi lý do, nhiều nông dân trả lời một cách ngắn gọn: “Chờ giá cao hơn”! Liệu giá mía có cao hơn trong thời gian tới khi cả ĐBSCL cùng vào mùa thu hoạch? Câu hỏi chờ thời gian trả lời! Còn hậu quả trước mắt, vì không mua được nguyên liệu ở Hậu Giang 2 nhà máy đường là Phụng Hiệp và Vị Thanh đã 2 lần phải tạm ngưng hoạt động, nhà máy đường Sóc Trăng cũng “lâm trận”. Còn các nhà máy khác phải hoạt động cầm chừng hoặc giảm công suất.
Tình hình thị trường mía nguyên liệu “nóng” đến mức Tổng giám đốc Công ty Mía đường Cần Thơ - ông Nguyễn Thành Long phải kêu lên một cách bất lực: “Hỗn loạn! Không thể kiểm soát được (? )”. Giám đốc nhà máy đường Vị Thanh lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng tranh giành mua mía nguyên liệu là do: 9 nhà máy đường đồng loạt vào vụ sớm, và thông thường khi nhà máy đường đã khởi động phải chạy liên tục suốt vụ (vì mỗi lần khởi động rất tốn kém).
Theo ông Long thì, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tranh giành mua mía là do giá đường liên tục tăng. Dù đang vụ thu hoạch, chỉ trong một thời gian ngắn giá đường tăng lên 30 - 40%, từ 6.500 - 6.600 đồng/kg “nhảy” lên 9.200 - 10.000 rồi 11.000 đồng/kg. Giá đường tăng vọt, các nhà máy như “chộp” được cơ hội làm ăn, nâng cao giá mua mía nhưng vẫn không đủ nguyên liệu. Hậu quả là nông dân lời, nhà máy lỗ. Sự thiếu đồng thuận giữa nông dân và nhà máy, nhà máy và nhà máy ở vùng nguyên liệu mía ĐBSCL đầu vụ ép năm nay lộ rõ hơn bao giờ hết (!)
Cơ hội cho đường lậu tràn vào
Các chủ vựa đường ở chợ Trần Chánh Chiếu (Q.5, Tp.HCM) cho biết: sau một thời gian tăng cao, tiêu thụ đường có dấu hiệu chựng lại. Ngày 7/12 giá đường tại chợ đã giảm 700 - 1.500 đồng/kg, riêng đường Biên Hoà giảm 1.800 đồng/kg, còn 10.800 đồng/kg. Trong khi đó đường Thái Lan nhập lậu ở biên giới Campuchia qua các cửa khẩu ở An Giang có giá 6.400 - 6.800 đồng/kg. Tuy đường trong nước giá đã giảm nhưng mức chênh lệch còn cao hơn 4.000 - 4.400 đồng/kg. Đây là lý do để sau một thời gian dài yên ắng đường lậu lại “chảy” vào Việt Nam.
Ban chỉ đạo 127 An Giang cho biết, thời gian qua các ngành chức năng trong tỉnh đã bắt được trên 1.463 vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, trị giá hàng hoá trên 8,7 tỷ đồng. Trong đó, riêng đường Thái Lan nhập lậu gần 11,3 tấn. Với mức giá như hiện tại, dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán đường lậu Thái Lan tiếp tục tràn vào Việt Nam.
Vẫn như mọi khi, dân buôn lậu vận chuyển đường bằng nhiều phương tiện khác nhau, như: xe đạp, xe gắn máy, ghe xuồng...thậm chí có cả xe tải. Một số doanh nghiệp tư nhân lập kho kinh doanh tại một số xã biên giới nhằm hợp thức hoá hàng lậu một cách nhanh chóng, đặc biệt là đường Thái Lan. Bằng cách thay đổi bao bì hàng ngoại thành hàng nội; lợi dụng chứng từ, hoá đơn mua đường của các cơ quan nhà nước tịch thu được bán sung công quĩ, hoặc chứng từ mua đường của các Cty trong nước để vận chuyển đường lậu một cách hợp lệ.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế nông nghiệp, mía đã lên cơn sốt thì khó giảm! Còn giá đường? Từ tháng 11, các nhà máy ở miền Trung đã vào vụ, đường từ miền Bắc sẽ vào, đường nhập lậu từ biên giới Tây Nam gia tăng, nguồn cung tăng sẽ khiến giá đường ở Tp.HCM giảm. Một câu hỏi được đặt ra, các nhà máy đường ở ĐBSCL rồi sẽ ra sao sau khi họ tự nâng giá mua mía nguyên liệu quá cao?
Đã đến lúc ngành mía đường nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng không thể sản xuất, kinh doanh riêng lẻ, mà phải có sự đồng thuận thực sự trên cơ sở phân chia lợi nhuận một cách hợp lý giữa người trồng mía, nhà máy và nhà lưu thông. Đây cũng là bước đi thích hợp để ngành mía đường Việt Nam đứng vững khi thuế nhập khẩu đường chỉ còn 0%.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate