April 27, 2014 | 20:01 GMT+7

Cuộc gặp lịch sử của Thủ tướng với doanh nghiệp dân doanh

Anh Minh

Thủ tướng sẽ cùng 4 phó thủ tướng, 9 bộ trưởng và chủ tịch hai thành phố lớn lắng nghe những kiến nghị của doanh nghiệp dân doanh

Thủ tướng gặp mặt các doanh nhân trẻ năm 2011<br>
Thủ tướng gặp mặt các doanh nhân trẻ năm 2011<br>
Ngày mai (28/4), Thủ tướng chính thức có cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp dân doanh tại Hà Nội. Lần đầu tiên, một “lực lượng” đông đảo từ Chính phủ được huy động đến để lắng nghe những tiếng nói trực tiếp từ doanh nghiệp.

Ngoài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 4 vị phó thủ tướng và 9 vị bộ trưởng cũng sẽ tham gia cuộc gặp này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho hay. Bên cạnh đó, chủ tịch của hai "đầu tàu" kinh tế là Hà Nội và Tp.HCM cũng sẽ có mặt.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, cho đến trước cuộc gặp, đã có hơn 300 kiến nghị được gửi về VCCI, trong đó đề cập đến rất nhiều vấn đề của môi trường đầu tư, kinh doanh nói chung.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong gần 3 thập niên vừa qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Cho đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã có trên 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong số đó có trên 3.000 doanh nghiệp nhà nước, gần 8 ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại phần lớn (97-98%) là doanh nghiệp dân doanh.

Doanh nghiệp dân doanh đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên đây giai đoạn mà các họ đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Sau một thời gian phát triển chủ yếu theo chiều rộng, khi môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, những yếu kém nội tại của doanh nghiệp Việt Nam đang bộc lộ ngày càng rõ. Nhiều doanh nghiệp buộc phải rời khỏi thị trường: số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động trong mấy năm gần đây rất lớn.

Vẫn theo ông Lộc, cho dù trong thời gian qua đã có không ít doanh nhân tích lũy được nhiều của cải, nhưng trên thực tế Việt Nam vẫn chưa tạo ra được một thế hệ các nhà công nghiệp gắn liền tên, tuổi và sự nghiệp với sự hình thành và phát triển của các thương hiệu lớn và các cụm ngành công nghiệp quốc gia, vươn ra được thế giới, cạnh tranh ngang ngửa với các đối tác quốc tế.

Không chỉ thiếu những doanh nghiệp dẫn đầu, mà Việt Nam còn thiếu cả một khu vực đủ lớn các doanh nghiệp cỡ vừa, đủ sức tiếp cận với công nghệ mới và trở thành đối tác của các tập đoàn xuyên quốc gia, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

"Nói một cách hình ảnh, theo các nhà kinh tế, “đội thuyền thúng” doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức phải ra biển lớn, khi thời điểm hội nhập lớn của đất nước đang cận kề", ông Lộc nói.

Cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ và các lãnh đạo bộ ngành, địa phương năm nay được tổ chức trong bối cảnh công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế đang được đẩy mạnh.

Hiến pháp sửa đổi đã được Quốc hội thông qua trong đó lần đầu tiên hiến định vai trò doanh nhân, và thông điệp đầu năm của Thủ tướng và các nghị quyết của Chính phủ mới đây đã nêu yêu cầu đột phá đổi mới thể chế, để mở đường và yểm trợ các cho các doanh nhân trong nỗ lực chuyển mình để trụ vững và phát triển.

Chính vì vậy, vị đại diện của VCCI tin tưởng rằng sự kiện này sẽ tạo ra bước ngoặt trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh cũng như nền kinh tế.

"Thời điểm hiện nay cũng là thời điểm đất nước ta đã có được 500 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, một mục tiêu mà chúng ta đã đề ra từ 10 năm trước. Chúng tôi kiến nghị cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc thành lập, thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh và rút khỏi thị trường, hướng tới mục tiêu nước ta có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trong vòng 10 năm tới", ông Lộc nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate