March 24, 2022 | 09:40 GMT+7

Cuộc khủng hoảng của bà Nabiullina, Thống đốc Ngân hàng Trung ương được ca ngợi của Nga

An Huy -

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) Elvira Nabiullina đã xin từ chức sau khi Tổng thống Vladimir Putin hạ lệnh tấn công Ukraine, nhưng bị ông Putin từ chối – nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg...

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) Elvira Nabiullina - Ảnh: Bloomberg.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) Elvira Nabiullina - Ảnh: Bloomberg.

Tuần trước, bà Nabiullina – một lãnh đạo ngân hàng trung ương được nể trọng - được đề cử nắm giữ cương vị đứng đầu CBR thêm 5 năm. Không ai dám chắc về quan điểm của bà Nabiullina ở thời điểm này, nhưng ở cương vị của mình, bà sẽ phải vận dụng mọi khả năng để ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến tranh lên hệ thống tài chính và nền kinh tế Nga.

Bà Nabiullina, 58 tuổi, đã có 9 năm đảm nhiệm vị trí thống đốc và sát cánh bên ông Putin gần 2 thập kỷ.

NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG NGA TRƯỚC ÁP LỰC LỚN

Cũng theo nguồn thạo tin, đến nay mới chỉ có một quan chức cấp cao duy nhất của Nga là ông Anatoly Chubais - một nhà cải cách kinh tế và giữ cương vị đặc phái viên của ông Putin về vẫn đề khí hậu – từ chức vì vấn đề Ukraine. Hiện ông Chubais đã ra nước ngoài, nguồn tin cho hay.

Bà Nabiullina được giới đầu tư và nhiều ấn phẩm tài chính nổi tiếng như Euromoney và The Banker ca ngợi là một trong những nhà hoạch định chính sách tiền tệ xuất sắc nhất thế giới. Công việc của bà đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, khi nền kinh tế Nga bị cô lập bởi các biện pháp trừng phạt quốc tế và các công ty nước ngoài đồng loạt rút khỏi nước này.

Khi đồng Rúp giảm giá chóng mặt vì Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đồng loạt áp các biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Nga, bao gồm cả CBR, bà Nabiullina đã quyết định nâng gấp đôi lãi suất và triển khai các biện pháp kiểm soát vốn để hãm cuộc tháo chạy của dòng tiền.

Tiếp đó, CBR tuyên bố từ bỏ việc can thiệp để bảo vệ tỷ giá đồng Rúp vì các biện pháp trừng phạt quốc tế đã đóng băng hơn một nửa trong số 643 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga.

“Chừng nào căng thẳng còn leo thang, CBR chỉ còn cách phải ứng phó với các cú sốc”, ông Oleg Vyugin, một cựu quan chức của CBR, nhận định.

Trong các cuộc trao đổi với Bloomberg, một số quan chức CBR tiết lộ rằng họ cảm thấy tuyệt vọng sau khi Nga tấn công Ukraine vào hôm 24/2. Họ cảm thấy bị mắc kẹt và lo rằng sẽ không thể sử dụng được các kỹ năng và kinh nghiệm của mình trong bối cảnh nền kinh tế Nga bị cô lập. Có thời điểm, số nhân viên CBR xin nghỉ việc đông đến nỗi bộ phận IT không đủ nhân lực để kịp xoá tài khoản. Một số bộ phận khác chứng kiến khối lượng công việc tăng vọt và thậm chí nhận được lượng hồ sơ xin việc lớn từ những người là nhân viên thôi việc từ các ngân hàng thương mại bị phương Tây trừng phạt.

Trước khi Nga tấn công Ukraine, các quan chức CBR đã đưa ra một số kịch bản, bao gồm khả năng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT, nhưng không nghĩ đến việc phương Tây có thể áp lệnh trừng phạt lên dự trữ ngoại hối của Nga – nguồn tin cho hay.

Đầu tháng này, ông Putin bày tỏ tin tưởng rằng Nga sẽ vượt qua được những khó khăn kinh tế hiện tại và trở nên độc lập hơn với phương Tây. So sánh sự trừng phạt hiện nay nhằm vào Nga với các biện pháp cấm vận đối với Liên Xô thời chiến tranh lạnh, ông Putin nói: “Liên Xô đã sống trong sự trừng phạt, đã phát triển, và đạt được những thành công rực rỡ”.

Trong một tuyên bố ngắn vào hôm thứ Sáu tuần trước sau khi quyết định giữ lãi suất ở mức 20%, cao nhất gần 2 thập kỷ, bà Nabiullina lùi mục tiêu đưa lạm phát về 4% tới năm 2024, đồng thời cảnh báo rằng nền kinh tế Nga sẽ suy giảm mạnh và tiếp tục biến động trong thời gian tới.

Giới chuyên gia kinh tế dự báo sản lượng kinh tế Nga sẽ sụt giảm ở tốc độ 2 con số trong năm nay, trong khi sự sụt giảm của đồng Rúp và tình trạng khan hiếm hàng hoá có thể đẩy lạm phát lên tới mức 25% - con số chưa từng thấy kể từ khi Chính phủ Nga vỡ nợ trong khủng hoảng tài chính 1998.

CON ĐƯỜNG MỜ MỊT CỦA BÀ NABIULLINA

Trong một đoạn video ngắn gửi tới nhân viên CBR hôm 2/3, bà Nabiullina phát tín hiệu về những biến động trong cơ quan này. Bà cam kết tránh “những cuộc tranh luận chính trị” mà bà cho là “chỉ tiêu tốn năng lượng mà chúng ta cần để làm việc”. Miêu tả tình trạng kinh tế Nga hiện tại là “căng thẳng”, vị Thống đốc nói “tất cả chúng ta đều không muốn điều này xảy ra”.

Cho tới nay, cuộc khủng hoảng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 là cuộc kiểm tra lớn nhất đối với chủ trương thị trường tự do của bà Nabiullina. Bà đã không sử dụng tới các biện pháp kiểm soát vốn – điều mà ông Putin muốn làm khi đó – để mặc cho đồng Rúp mất giá tự do và lạm phát tăng vọt.

Nhưng sau đó, tình hình dần ổn định trở lại và dưới tài lãnh đạo của bà Nabiullina, CBR đã tích luỹ được dự trữ ngoại hối và vàng vào hàng lớn nhất thế giới, xử lý mạnh tay đối với việc sử dụng vốn không phù hợp tại các ngân hàng thương mại, và đưa lạm phát ở Nga về mức thấp nhất kể từ khi Liên Xô tan rã.

“Khi bà Nabiullina vào việc, không ai nghĩ bà ấy có thể kiểm soát được lạm phát”, chuyên gia kinh tế Natalia Orlova của Alfa-Bank nhận định. “Bà ấy đã đưa CBR đạt được tiêu chuẩn quốc tế”.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde – một người cùng chung sở thích nghe nhạc opera với bà Nabiullina -  vào năm 2018 từng so sánh năng lực của bà Nabiullina với một người nhạc trưởng vĩ đại.

Giới đầu tư đã rót hàng tỷ USD vào trái phiếu Nga. Tổng thống Putin dành cho bà Nabiullina sự tin tưởng lớn, lắng nghe các ý kiến của bà và bảo vệ chính sách tiền tệ mà bà theo đuổi trước các quan chức khác trong chính phủ Nga. Tuy nhiên, phần lớn di sản của bà Nabiullina đã bị phá hỏng chỉ trong vòng vài giờ khi phương Tây áp trừng phạt lên Nga.

Con đường phía trước của bà Nabiullina trên cương vị Thống đốc CBR đang trở nên mờ mịt hơn so với những cuộc khủng hoảng trước kia. Việc đột ngột tăng lãi suất gấp đôi và những hạn chế đối với giao dịch ngoại hối đang gây ra nhiều hệ luỵ trong hệ thống ngân hàng Nga. Ngoài ra, thị trường tài chính nước này vẫn đang trong tình trạng đóng cửa. Nguy cơ vỡ nợ đang đe doạ cả Chính phủ lẫn các công ty Nga.

“CBR không thể hy vọng sớm quay trở lại các chính sách trước đây”, giáo sư kinh tế học Sergei Guriev thuộc Viện nghiên cứu Chính trị Paris, một người đã quen biết bà Nabiullina 15 năm,  nhận định. “Bà ấy không lường trước được việc phải làm việc trong thời chiến. Bà ấy không phải là người dễ làm việc trong tình trạng thị trường tài chính đóng cửa và những biện pháp trừng phạt cứng rắn”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate