Ngày 21/2, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết nhờ đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt, đến nay, có khoảng 64% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng khoảng 3% so với năm 2022.
Đây cũng là một trong những kết quả thực hiện Đề án 06 của ngành Bảo hiểm xã hội tính đến tháng 2/2024.
Điểm đáng chú ý là trong số các khoản chi trả bảo hiểm không dùng tiền mặt đó, thì chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đạt 47%; chế độ bảo hiểm xã hội một lần đạt 94% và trợ cấp thất nghiệp đạt 98%.
Ngoài ra, với việc triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 362.271 trường hợp, phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
Đối với việc liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã giải quyết 615.863 hồ sơ; 7.678 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí.
Đối với Dịch vụ công "Đăng ký tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện”: Hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 6.799 giao dịch đăng ký, đóng chế độ này.
Với Dịch vụ công "Đăng ký đóng, cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với người chỉ tham gia bảo hiểm y tế", toàn ngành đã tiếp nhận và xử lý 43.788 trường hợp đăng ký đóng, cấp và gia hạn thẻ qua dịch vụ công này.
Tính đến tháng 2, Hệ thống đã xác thực trên 95,8 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 87,7 triệu người đang tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Hiện 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp, với trên 60,2 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử.
Đến nay, tên toàn quốc có 1.225 cơ sở khám chữa bệnh đã gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, với 2.180.937 dữ liệu được gửi; có 1.618 cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu giấy chứng sinh, với 946.180 dữ liệu được gửi; 615 cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu giấy báo tử, với 9.748 dữ liệu được gửi.
Việc liên thông giấy khám sức khỏe lái xe giúp người dân có thể đề nghị cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe hoàn toàn trực tuyến. Trước đây, người dân buộc phải đến nơi cấp giấy phép lái xe để nộp bản giấy của giấy khám sức khỏe lái xe.
Việc liên thông giấy chứng sinh, giấy báo là đầu vào giúp người dân có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng.
Trong khi đó, trước đây người dân buộc phải đến Ủy ban nhân dân xã, phường để nộp bản giấy của giấy chứng sinh, giấy báo tử khi làm thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử.
Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tiếp tục duy trì việc liên thông dữ liệu khi có đề nghị của người lao động, về việc tích hợp thông tin quá trình tham gia bảo hiểm xã hội lên ứng dụng VneID (ứng dụng định danh điện tử).