February 28, 2023 | 22:00 GMT+7

Đã đến giai đoạn cần phải thay đổi cơ chế quản lý xăng dầu theo định hướng thị trường hơn

Vũ Khuê -

Hệ thống bán lẻ xăng dầu Việt Nam tụt hậu rất nhiều so với các nước khác. Nên kỳ vọng, các cửa hàng xăng dầu ở Việt Nam phải trở thành các cửa hàng tiện lợi có vốn đầu tư, có triển vọng phát triển dài hạn…

Cần phải thay đổi cơ chế quản lý xăng dầu.
Cần phải thay đổi cơ chế quản lý xăng dầu.

Ngày 28/2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình tình hình về thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.

Theo đó, hai bộ quản lý chính gồm Bộ Công Thương và Bộ Tài chính giải trình về các vấn đề liên quan đến việc quản lý nhà nước về xăng dầu và tình hình thị trường xăng dầu thời gian qua.

CÒN RẤT NHIỀU BẤT CẬP TRONG CHÍNH SÁCH 

Phát biểu tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Nghị quyết số 499 của UBTV Quốc hội được ban hành ngày 28/3/2022 đã giao Bộ Công Thương tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.

Sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 499, ông Diên cho biết năm 2022 là năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trên phạm vi toàn cầu do xung đột Nga - Ucraina kéo dài gây đứt gãy, khan hiếm về nguồn cung; tỷ giá đồng đô la và lãi suất tín dụng liên tục tăng cao, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngoại tệ do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của ngân hàng... đã ảnh hưởng đến tiến độ và tổng mức nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối.

Mặt khác sản xuất xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (ở thời điểm đầu năm và cuối năm 2022)... gây khó khăn về nguồn cung trong nước ở một số thời điểm nhất định.

Đối với dự trữ quốc gia về xăng dầu, ông Diên cho biết Bộ Công Thương đã tích cực triển khai xây dựng Phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu và đã 04 lần trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó đề xuất, từ năm 2023 - 2025, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.

Khó khăn hiện nay theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc triển khai thực hiện tách bạch giữa dự trữ xăng dầu quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối đang gặp nhiều vướng mắc.

Nguyên nhân là do hiện nay Nhà nước chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu nên phải đi thuê của các doanh nghiệp, trong khi định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia hiện rất thấp, không phù hợp với thực tế. Bộ cũng đã tổ chức đấu thầu, lựa chọn doanh nghiệp bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia nhưng không có đơn vị tham gia.

Tại phiên giải trình, các đại biểu Quốc hội thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành. Như xăng dầu dự trữ quốc gia chưa được bảo quản riêng theo Luật Dự trữ quốc gia mà vẫn cất trữ chung trong kho thương mại của doanh nghiệp, dẫn đến thiếu minh bạch.

Phương pháp tính giá chưa bảo đảm tính cạnh tranh, chưa tuân thủ các quy luật của thị trường, chưa “tính đúng, tính đủ” cho doanh nghiệp, một số yếu tố cấu thành giá được rà soát định kỳ 6 tháng, hàng năm không phù hợp với tình hình thực tế.

Việc xác định giá thế giới trong công thức tính giá cơ sở bằng cách lấy “giá trung bình” của 10 ngày trước kỳ điều hành để cấu thành “giá trần” cho 10 ngày sau vừa không bảo đảm tính chất “trần”, vừa tạo ra sự “lệch pha” giữa giá Việt Nam và giá thế giới…

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh còn rất nhiều bất cập trong chính sách quản lý xăng dầu hiện nay. Điển hình, quy định doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy nguồn từ một nhà phân phối, nếu muốn đổi nhà cung cấp thì trình tự cũng rất phức tạp… chính điều này tạo ra thị trường cạnh tranh không lành mạnh.

Đơn cử, nếu thương nhân phân phối có cả hệ thống bán lẻ thì đương nhiên họ có lợi thế về nguồn hàng. Do vậy sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp bán lẻ đơn thuần, cạnh tranh sẽ không minh bạch, không bình đẳng.

Còn với doanh nghiệp đầu mối và trung gian thì cũng gặp khó khăn, thậm chí lỗ vốn trong năm qua do tỷ giá thay đổi đặc biệt chưa phản ánh đủ các chi phí vào giá như dự trữ.

Quỹ bình ổn xăng dầu còn nhiều bất ổn. Bởi bình ổn chỉ với một số mặt hàng xăng dầu, nếu đem nhóm này so sánh với nhóm không bình ổn thì thấy nhóm được sử dụng quỹ bình ổn thì lại phức tạp hơn nhóm không bình ổn. Nguyên lý của bình ổn là xả Quỹ với hy vọng giá xuống nhưng thị trường khó dự đoán. Nếu xả Quỹ mà giá tăng thì vô tình đẩy biên độ giá cao lên, bỏ mất cơ hội phản ánh tín hiệu thị trường.

CẦN MỘT LỘ TRÌNH THAY ĐỔI

Trước thực tế quản lý nhà nước về xăng dầu đang giao thoa nhiệm vụ giữa nhiều bộ, một số ý kiến kiến nghị cân nhắc giao Bộ Công Thương quản lý để bảo đảm chủ động, linh hoạt trong công tác điều hành.

Mặt khác tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và có chế tài nghiêm khắc để loại bỏ xăng dầu giả, kém chất lượng khỏi thị trường, ngăn ngừa các hành vi gian lận, đầu cơ, “găm hàng” trong kinh doanh xăng dầu.

Một số ý kiến chuyên gia nêu, cần nghiên cứu xây dựng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xăng dầu một cách phù hợp hơn nhằm giảm áp lực cho doanh nghiệp và người dân, kiềm chế lạm phát, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, xăng dầu là hàng hóa chiến lược, liên quan đến an ninh năng lượng, an ninh quốc gia vì vậy phải sớm đánh giá lại tình hình thị trường xăng dầu, xác định rõ vướng mắc, tìm ra nguyên nhân khách quan và chủ quan để đề ra giải pháp cơ bản, toàn diện để khắc phục.

Đồng thời, ông đề nghị Ủy ban Kinh tế Quốc hội có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, trong đó đề xuất, kiến nghị cụ thể với các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương để thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có kế hoạch thực hiện các đề xuất, kiến nghị về nội dung giải trình trong thời gian tới.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng đã đến giai đoạn cần phải thay đổi cơ chế quản lý xăng dầu theo định hướng thị trường hơn. Hiện nay thị phần của doanh nghiệp nhà nước hạn chế, trong khi nền kinh tế mở đặt ra nhiều quy định để điều tiết, kiểm soát thì rất khó.

“Yêu cầu tính đủ rất khó bởi mỗi doanh nghiệp, mỗi mô hình kinh doanh, bối cảnh một khác. Nên tôi cho rằng cần có một lộ trình để thị trường hơn, điều này kỳ vọng vào việc sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu, gỡ bỏ bớt điều kiện doanh, bỏ giới hạn phạm vi mở cây xăng hiện nay tránh độc quyền, trao quyền cho doanh nghiệp định giá, chủ động chọn nguồn mua…”, ông Tuấn nói.

Đại diện VCCI cũng thẳng thắn cho rằng hệ thống bán lẻ xăng dầu Việt Nam tụt hậu rất nhiều so với các nước khác. Nên kỳ vọng, các cửa hàng xăng dầu ở Việt Nam phải phát triển thành các cửa hàng tiện lợi có vốn đầu tư, có triển vọng phát triển dài hạn. Hiện nhiều doanh nghiệp phải cầm cự bằng cách bán cửa hàng xăng dầu, đây là tín hiệu không tốt, ảnh hưởng tới chất lượng hạ tầng năng lượng quốc gia về dài hạn.

"Một mặt thị trường hơn thì cũng phải nâng cao kỷ luật thị trường hơn. Mặt khác, cần phải có hoá đơn điện tử trong mua bán xăng dầu, như vậy sẽ kiểm soát đầu ra, đầu vào thì tình trạng xăng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xăng trôi nổi sẽ hạn chế hơn rất nhiều. Đồng thời, cần áp dụng luật cạnh tranh tránh tình trạng doanh nghiệp bắt tay nâng giá; cần có kho dự trữ chiến lược", ông Tuấn đề xuất…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate