Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải vừa cho biết thông tin trên, đồng thời nói thêm rằng tính đến nay các địa phương dự án đã bàn giao được hơn 90% mặt bằng cho dự án.
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án làm ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân, đó là việc giải phóng mặt bằng không được như kỳ vọng.
Các dự án có kết quả giải ngân chưa đạt như kế hoạch đăng ký, bao gồm: Dự án đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi của Ban quản lý Dự án Thăng Long đạt 84%; dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong của Ban quản lý Dự án 7 đạt 83%; dự án thanh phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn của Ban quản lý Dự án 2 đạt 84%; dự án đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh của Ban quản lý Dự án 85 đạt 85%,...
Vụ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, các chủ đầu tư báo cáo đến nay các địa phương dự án đã bàn giao được hơn 90% mặt bằng cho các dự án giai đoạn 2. Riêng giải ngân vốn năm 2023 chỉ mới hơn 7.000 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch.
Ngoài nguyên nhân về vấn đề giải phóng mặt bằng, yếu tố thời tiết không thuận lợi, tiến độ bàn giao mỏ vật liệu cho nhà thầu thi công của các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu cũng là lý do làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung của dự án. Dự kiến, trong tháng 9 này, việc khai thác các mỏ vật liệu phục vụ thi công sẽ được khơi thông, các dự án vì vậy cũng sẽ được đẩy nhanh tiến độ.
Cùng với đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông vận tải, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công đang nỗ lực tận dụng nguồn lực sẵn có, phần mặt bằng đã được bàn giao để tăng tốc các hạng mục chính, lũy tiến khối lượng công trình.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông (ký hiệu CT.01) có tổng chiều dài 2.063 km, với điểm đầu là cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) và điểm cuối là đường vành đai của Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Dự án bộ cao tốc Bắc Nam phía đông đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 có tổng chiều dài 729 km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.
Tương ứng, 12 đoạn tuyến là các dự án thành phần giai đoạn 2021 – 2025, bao gồm: Đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Ninh, Vạn Ninh – Cam Lộ, Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Quy Nhơn – Chí Thạnh, Chí Thạnh – Vân Phong, Vân Phong – Nha Trang, Cần Thơ – Hậu Giang, Hậu Giang – Cà Mau.
12 dự án thành phần này vận hành độc lập, theo kế hoạch sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026; trong đó được chia thành 25 gói thầu, gói thầu có giá trị lớn nhất là gần 8.000 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư 148.492 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước là 131.217 tỷ đồng và vốn huy động từ đối tác tư nhân là 17.125 tỷ đồng.