Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 được đưa vào khai thác từ ngày 31/12/2022.
BẤT CẬP TRONG TỔ CHỨC GIAO THÔNG
Để quá trình khai thác tuyến Cam Lộ - La Sơn giai đoạn phân kỳ và các dự án khác có quy mô mặt cắt ngang tương tự được đảm bảo chất lượng công trình theo yêu cầu thiết kế, nâng cao năng lực vận tải, tăng cường bảo vệ kết cấu hạ tầng và phát huy hiệu quả đầu tư…, Bộ Giao thông vận tải cho rằng nên nghiên cứu phương án tổ chức giao thông của các dự án với quy mô nêu trên theo hướng phù hợp với thực tế đầu tư.
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, từ khi đưa đoạn tuyến Cam Lộ - La Sơn vào khai thác theo phương án tổ chức giao thông tạm thời được duyệt tại Quyết định số 1811/QĐ-BGTVT ngày 30/12/2022 và văn bản số 3200/BGTVT-KCHT ngày 3/4/2023 của Bộ Giao thông vận tải, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh bộc lộ một số bất cập.
Cụ thể, "tại các vị trí bố trí vạch sơn tim nét liền cấm vượt xe, đặc biệt là các đoạn lên dốc, tốc độ xe tải thường rất chậm khoảng 20 - 30Km/h dẫn tới xe xếp hàng lên dốc, giảm năng lực thông hành của tuyến có thể là nguyên nhân hằn lún vệt bánh xe đặc biệt là trong môi trường khí hậu nắng, nóng", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Để hạn chế tình trạng nêu trên, trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đơn vị dự họp, đối với đoạn tuyến Cam Lộ - La Sơn nghiên cứu phương án tổ chức giao thông theo hướng sau.
Sử dụng vạch sơn tim đường là vạch 1.2 nét liền, xe không được phép vượt đối với đoạn tuyến có tầm nhìn không đảm bảo an toàn vượt xe như: đường cong nằm, đường cong đứng có bán kính tối thiểu, trên cầu… và vạch 1.1 nét đứt, xe được phép vượt đối với đoạn tuyến đảm bảo tầm nhìn.
Đồng thời, điều chỉnh vị trí vạch sơn phân chia giữa làn xe chạy và làn dừng khẩn cấp (vạch sơn 3.1) thành vạch xác định mép ngoài phần xe chạy, cách mép ngoài cùng phần xe chạy từ 15cm đến 30cm.
Bên cạnh đó, "hiện nay trên tuyến chưa đầu tư trạm dừng nghỉ, do vậy cần nghiên cứu bố trí một số vị trí dừng nghỉ dọc tuyến (nên tận dụng tại các vị trí nền hoàn chỉnh) tại khoảng giữa các nút giao để các phương tiện có thể dừng đỗ", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Đồng thời bổ sung một số biển báo chỉ dẫn về vị trí, số lượng nút giao, vị trí dừng nghỉ… theo đề nghị của Cục Đường bộ Việt Nam.
Ngoài ra, cần đồng bộ phương án tổ chức giao thông giữa đoạn tuyến Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Hòa Liên.
ĐẢM BẢO LƯU THÔNG THÔNG SUỐT
Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ Giao thông vận tải về chất lượng các công trình thi công và công tác hoàn thiện hiện trường, hồ sơ liên quan để bàn giao cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý, vận hành, khai thác gồm: Cục Đường bộ Việt Nam, các cơ quan thuộc tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh đó, "rà soát quy định liên quan để nghiên cứu lựa chọn đơn vị có đủ năng lực quản lý, vận hành, khai thác tuyến Cam Lộ - La Sơn trong giai đoạn chờ bàn giao chính thức cho các cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo chất lượng công trình, an toàn cho các phương tiện giao thông và lưu thông thông suốt theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 5129/BGTVT-KCHT ngày 19/5/2023", Bộ Giao thông vận tải lưu ý.
Cùng với đó, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cần phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá phương án tổ chức giao thông tạm thời của tuyến Cam Lộ - La Sơn và phương án tổ chức giao thông chính thức của tuyến La Sơn - Hòa Liên từ khi đưa vào khai thác đến nay; phân tích ưu, nhược điểm về phương án tổ chức giao thông của 2 đoạn tuyến.
Đồng thời, mời các cơ quan liên quan để đánh giá thực tế làm cơ sở tham mưu Bộ Giao thông vận tải về phương án tổ chức giao thông đảm bảo tính đồng bộ giữa 2 đoạn tuyến, phù hợp với thực tế lưu thông của các phương tiện và nâng cao năng lực khai thác trên tuyến.
Ban cũng cần phối hợp chặt chẽ với Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải Quảng Trị, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) để triển khai sớm công tác kiểm soát tải trọng đối với các phương tiện tham gia lưu thông trên đoạn tuyến Cam Lộ - La Sơn.
Trong thời gian bảo hành công trình và chờ bàn giao cho các cơ quan có thẩm quyền, ban quản lý dự án cần nâng cao trách nhiệm, kiểm tra, kiểm soát để phản ứng nhanh, có trách nhiệm, kịp thời xử lý những vấn đề sự cố trong quản lý, khai thác, vận hành và khắc phục khiếm khuyết, tồn tại về chất lượng (nếu có) phù hợp với thực tế và tuân thủ quy định.
Với Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải đề nghị chỉ đạo Khu Quản lý đường bộ II phối hợp với Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh để kiểm đếm, rà soát hồ sơ và tiếp nhận bàn giao đối với các công trình, hạng mục công trình đủ điều kiện để bàn giao theo quy định.
Cục Đường cao tốc Việt Nam được giao nhiệm vụ phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường để sớm ban hành tiêu chuẩn sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn cơ sở 42:2022/TCĐBVN, đường ô tô cao tốc – Thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng, phù hợp với thực tế đầu tư như trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn có thể thay thế dải phân cách bằng vạch sơn; tổ chức giao thông phù hợp với quy mô chiều rộng mặt đường… hoặc có văn bản hướng dẫn về các nội dung điều chỉnh trong tháng 6/2023 để các địa phương, chủ đầu tư thực hiện.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng rà soát khối lượng công việc còn lại để tham mưu Bộ Giao thông vận tải đôn đốc chỉ đạo hoàn thành theo văn bản số 3130/BGTVT-CQLXD ngày 31/3/2023 của Bộ Giao thông vận tải.
"Vụ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn các chủ đầu tư, ban quản lý dự án nghiên cứu lập phương án thu giá dịch vụ để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước đối với các dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công theo khoản 2, Điều 3 Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020", Bộ Giao thông vận tải lưu ý.