July 20, 2021 | 09:21 GMT+7

Đã giảm đóng quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 375.000 doanh nghiệp

Phúc Minh -

Tính đến hết ngày 16/7, ngành Bảo hiểm xã hội đã hoàn thành chính sách giảm đóng vào quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho trên 375.000 doanh nghiệp, với số tiền tạm tính giảm khoảng 4.322 tỷ đồng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Triển khai Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, tính đến ngày 16/7/2021, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện xong chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bằng 0% vào quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo đó, hết ngày 16/7, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã hoàn tất các thủ tục, gửi thông báo đến 375.335 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11.238.437 lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) khoảng 4.322 tỷ đồng.

Trong đó, TP.HCM là địa phương có số doanh nghiệp và người lao động được hỗ trợ giảm mức đóng lớn nhất cả nước, với 101.356 doanh nghiệp, tương ứng hơn 2,3 triệu người lao động được hỗ trợ; tổng số tiền hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng.

Tiếp đến là TP.Hà Nội có trên 87.000 doanh nghiệp với hơn 1,4 triệu người lao động; tổng số tiền hỗ trợ trên 640 tỷ đồng.

Các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh… cũng là những địa phương có số doanh nghiệp và người lao động được hỗ trợ giảm đóng rất lớn.

Riêng tại TP.HCM, để hỗ trợ kịp thời cho người sử dụng lao động và người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã điều chỉnh thời gian giải quyết hồ sơ từ 2 ngày và 4 ngày xuống còn 1 ngày làm việc với các thủ tục gồm: hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn hợp đồng, ngừng việc; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate