Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay giảm tới 30% so với sáng hôm qua, trong đó HoSE giảm 32%. Thậm chí rổ VN30 lần thứ 2 trong vòng 10 tuần giao dịch tụt xuống dưới ngưỡng 900 tỷ đồng, chỉ đạt 846,2 tỷ đồng. Số cổ phiếu giảm giá trong VN-Index nhiều gấp đôi số tăng, dù chỉ số mới giảm nhẹ 0,22%.
Tốc độ giảm ở chỉ số chưa nhiều, một phần vì vẫn còn trụ lớn co kéo. VCB tăng 0,45%, MSN tăng 1,56%, VGC tăng 3,13% giúp giảm thiệt hại phần nào từ phía VIC -1,17%, VHM -1,01%. Độ rộng của rổ VN30 khá tệ với 10 mã tăng/18 mã giảm.
Đà giảm áp đảo rộng trên sàn HoSE với 118 mã tăng/230 mã giảm. Vẫn có một số cổ phiếu ngược dòng khá ấn tượng, nổi bật là nhóm cổ phiếu thủy sản: ANV tăng 1,69%, IDI tăng 1,76%, VHC tăng 1,18%, ASM tăng 2,25%. Tuy nhiên thanh khoản của nhóm này chưa bao giờ thu hút được dòng tiền mạnh.
Ngoài ra cũng có một số cổ phiếu đơn lẻ trong các nhóm khác nhau tăng giá ngược dòng. GEX gây ấn tượng mạnh khi bất ngờ đạt thanh khoản cao nhất thị trường với 220,7 tỷ đồng và giá tăng 3,36%. Cổ phiếu này cũng lên đỉnh cao nhất gần 4 tháng. VIX trong nhóm chứng khoán cũng khá mạnh, tăng 1,18%, giao dịch 98,1 tỷ. VGC tăng 3,13%, thanh khoản 39,3 tỷ. BCG tăng 1,15% với 35,8 tỷ đồng.
Dù vậy tổng thể thị trường sáng nay vẫn là giảm giá với áp lực bán mạnh hơn. Trong 20 cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường, chỉ 6 cổ phiếu tăng giá, còn lại toàn giảm.
Với mức giao dịch chung trên thị trường giảm tới gần một phần ba so với sáng hôm qua, rõ ràng lực cầu là quá cạn. Biên độ của giá cổ phiếu phụ thuộc nhiều vào áp lực bán mạnh đến mức nào. Thống kê tại HoSE cho thấy sàn này đang có 56 cổ phiếu tăng từ 1% trở lên, với thanh khoản nhóm này chiếm 21,1% tổng khớp của sàn. Phía giảm trên 1% có 96 mã, thanh khoản chiếm 29%. Như vậy tổng thể áp lực bán vẫn không quá mạnh, nhưng đủ để gây sức ép lên mặt bằng giá nói chung, phản ánh ở độ rộng kém, đồng thời với các cổ phiếu có thanh khoản cao, sức ép mạnh hơn rõ rệt.
Hiện tại thị trường không có nhóm cổ phiếu dẫn dắt nào, chủ yếu là các đợt sóng T+ rất ngắn nổi lên liên tục với các mã khác nhau. Ví dụ cổ phiếu chứng khoán, hàng không, bất động sản nhỏ hay hôm nay là thủy sản. Đây gần như là các nhịp lướt T+ hơn là nhịp tăng thật sự vì chưa chắc hàng về tài khoản đã vẫn còn lãi tốt, thậm chí nhiều mã lỗ ngay. Điểm số được co kéo bằng các mã lớn và biên độ giảm nhẹ ở nhóm blue-chips tạo điều kiện cho các dòng tiền nóng đầu cơ nhanh.
Thanh khoản sụt giảm mạnh cũng thể hiện tâm lý ngại giao dịch khi kết hợp với thời gian biến động tăng quá ngắn. Đánh T+ chỉ phù hợp với các nhà đầu tư có sẵn cổ phiếu mới có thể tối đa hóa lợi nhuận vì giá thường tăng tốt nhất ngày T+1. Đối với các nhà đầu tư mua mới, việc chờ hàng về là yếu tố gia tăng rủi ro. Mặt khác, việc chậm một nhịp mua cũng sẽ khiến nguy cơ thua lỗ tăng vì tiền đảo rất nhanh sang các cổ phiếu khác.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay cũng giảm mạnh giao dịch, mua vào còn 209 tỷ đồng ở HoSE, tụt một nửa so với sáng hôm qua. Bán ra 328,4 tỷ, giảm 48%. Mức ròng tương ứng -119,4 tỷ. CTG đang bị bán lớn nhất -26,7 tỷ, STB -22,1 tỷ. Phía mua có DGC +13,7 tỷ, HPG +11,7 tỷ.