Tối 5/10 theo giờ Việt Nam, tức sáng 5/10 theo giờ miền Đông nước Mỹ, bộ trưởng thương mại 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Theo TTXVN, sau 6 ngày đàm phán liên tục thành phố Atlanta (Mỹ), 12 nước đã cùng nhau tháo gỡ ba nút thắt chính còn lại trên con đường dẫn tới hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, gồm gỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng linh kiện ôtô nhập khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, Canada và Mỹ mở cửa thị trường cho các sản phẩm bơ sữa của New Zealand và thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới.
Bước tiếp theo để TPP có hiệu lực là văn kiện này cần được quốc hội và chính phủ các nước phê chuẩn.
TPP sẽ hạ thuế quan và đặt ra tiêu chuẩn chung về thương mại cho 12 nền kinh tế tham gia, trong đó có Việt Nam. Các nước trong TPP chiếm 40% tổng GDP toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nỗ lực thúc đẩy TPP, xem đây là cách để mở cánh cửa các thị trường cho hàng xuất khẩu của Mỹ, bao gồm dịch vụ tài chính và dược phẩm. Giới chức Mỹ cũng xem TPP như một cách để tạo ra đối trọng với sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực châu Á.
Tại Mỹ, TPP nhận được sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa, trong khi vấp phải sự phản đối từ chính Đảng Dân chủ cầm quyền và các tổ chức công đoàn. Mặc dù vậy, Đảng Cộng hòa cũng đã hối thúc chính quyền Obama giữ lập trường đàm phán trong vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có bảo hộ các loại thuốc công nghệ sinh học.
Cuối tháng 7 vừa qua, đàm phán TPP giữa 12 nước thành viên cũng bế tắc khi đã “hoàn tất 98%”, theo bình luận của Bộ trưởng Bộ Thương mại Australia Andrew Robb. Khi đó, bất đồng xung quanh các vấn đề thương mại ôtô giữa Nhật Bản và Bắc Mỹ, sản phẩm sữa của New Zealand, và thời hạn độc quyền đối với thuốc thế hệ mới là những nguyên nhân chính khiến TPP chưa thể hoàn tất.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate