Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 đã ghi nhận Đà Nẵng năm thứ 3 liên tiếp trụ vững ngôi đầu bảng, với số điểm 68,34, và đây cũng là lần thứ 6 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số này được công bố 10 năm trước.
Thất vọng Hà Nội
Theo báo cáo PCI 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 31/3, cơ quan này đã tiến hành thực hiện PCI năm 2015 trên cơ sở thông tin phản hồi từ 11.700 doanh nghiệp, trong đó có 10.200 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh thành và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành trên cả nước.
Bảng xếp hạng PCI năm 2015 ghi nhận Đồng Tháp xếp ở vị trí thứ hai sau Đà Nẵng với 66,39 điểm và Quảng Ninh ở vị trí thứ ba với 65,75 điểm. VCCI cho biết, những vị trí đầu bảng đều là những tỉnh, thành đã có nhiều sáng kiến cải cách hành chính và đổi mới chất lượng điều hành.
Hai địa phương tiếp theo nằm trong nhóm có chất lượng điều hành tốt của PCI 2015 lần lượt là Vĩnh Phúc (62,56 điểm) và Lào Cai (62,32 điểm) - vốn là những tỉnh thành từng đạt được kết quả tốt trong PCI những năm trước.
Nhóm 10 tỉnh thành có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2015 còn có: Tp.HCM, Thái Nguyên, Quảng Nam, Long An và Thanh Hoá. Những địa phương này đều nhận được nhiều đánh giá tích cực của các doanh nghiệp dân doanh.
Đứng cuối bảng xếp hạng PCI năm 2015 lần lượt là các tỉnh: Lai Châu, Hà Giang và Đắc Nông.
Đáng chú ý là trong khi Tp.HCM nằm ở vị trí thứ 6, thì Hà Nội chỉ cải thiện được hai bậc trên bảng xếp hạng, xếp ở vị trí 24 với 59 điểm. Một số địa phương được kỳ vọng nhưng vẫn có kết quả thấp như Nghệ An, Hưng Yên, Bình Dương, Hà Tĩnh, Hải Dương… đều lận đận ở nửa cuối bảng xếp hạng.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói, năng lực cạnh tranh của Việt Nam phần lớn được quyết định bởi chất lượng điều hành và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Do đó, sự năng động, tiên phong và mẫn cán của bộ máy công chức địa phương đang quyết định tốc độ và đường hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Doanh nghiệp càng lớn càng bị “hành”
Cũng theo VCCI, nhìn chung, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh thành tiếp tục xu hướng cải thiện. Nhiều thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, tiếp cận thông tin… cũng đã có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, chi phí không chính thức vẫn còn phổ biến, cùng với đó là môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng vẫn là một trở ngại chính, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp trong nước.
Dành hẳn một chương riêng đề nói về môi trường kinh doanh, điều tra PCI 2015 cũng ghi nhận những dấu hiệu khởi sắc của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh tăng quy mô vốn đầu tư tiếp tục tăng nhẹ (10,9%), quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp tăng cao, trung bình là 16,5 tỷ đồng, gấp đôi so với quy mô của năm 2006.
Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động là 12%, tăng gấp đôi so với 2012. Năm 2015, gần một nửa doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, mức cao nhất trong vòng 5 năm công bố PCI gần đây.
Báo cáo PCI 2015 cũng phản ánh ý kiến của các doanh nghiệp về môi trường kinh doanh năm 2015. Theo đó, kết quả điều tra cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có khả năng nắm bắt cơ hội thị trường tốt, phần lớn vẫn quẩn quanh trong thị trường nội địa và kết quả kinh doanh tương đối ảm đảm.
Những doanh nghiệp này vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực vốn, đất đai, cập nhật thông tin về pháp luật…trong khi lại phải chịu gánh nặng ớn về chi phí không chính thức và chưa được hưởng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh có chất lượng với chi phí phù hợp.
Điều đáng lo ngại hơn khi quy mô doanh nghiệp càng lớn thì gánh nặng về thủ tục hành chính, kiểm tra của các cơ quan nhà nước địa phương lại càng gia tăng.
Đa số doanh nghiệp ủng hộ TPP
Cũng theo báo cáo PCI 2015, từ cảm nhận của 1.584 doanh nghiệp FDI, cho thấy Việt Nam tiếp tục được đánh giá tích cực so với các quốc gia cạnh tranh về sự ổn định chính sách, mức độ rủi ro bị thu hồi tài sản thấp, khả năng tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài vào quá trình hoạch định chính sách cao và các mức thuế hợp lý.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn kém hấp dẫn về chi phí không chính thức, dánh nặng quy định, chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ công.
Các nhà đầu tư FDI lo ngại trước những rủi ro về kinh tế vĩ mô và những thay đổi trong các quy định hoặc thuế khiến lợi nhuận của họ bị giảm sút, trong bối cảnh minh bạch thông tin vẫn còn hạn chế.
Điều tra PCI 2015 cũng cho thấy mức độ nhận biết và ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong cộng đồng doanh nghiệp đã tăng lên so với điều tra 2014. Tỷ lệ doanh nghiệp biết tới hiệp định này tăng từ 68% lên 78% và mức độ ủng hộ tăng từ 62% lên 72%.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước có mức độ nhận biết về TPP thấp hơn các doanh nghiệp FDI.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate