Thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040, thành phố Đà Nẵng đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, tập trung các nguồn lực cho phát triển nhà ở công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn.
Theo ông Hồ kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng, chủ trương xuyên suốt của lãnh đạo thành phố là luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, đặc biệt là việc phát triển nhà ở đối với gia đình người có công cách mạng, nhà ở công nhân ở các khu công nghiệp tập trung và người lao động có thu nhập thấp. Vì vậy, thành phố đã giao Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai Chiến lược phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040, phù hợp với Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng, hiện Đà Nẵng có hơn 27.000 lao động ngoại tỉnh và lượng lớn lao động nước ngoài đang làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó, phần lớn người lao động ngoại tỉnh đang thuê ở trọ gần các khu công nghiệp để tiện cho việc đi làm.
Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã triển khai và đưa một số dự án nhà ở xã hội tại khu vực các khu công nghiệp Hòa Khánh, Hòa Cầm, Cẩm Lệ… vào sử dụng theo hình thức cho thuê, hoặc bán với giá ưu đãi. Các dự án nhà ở xã hội lớn đã đưa vào hoạt động như: Khu chung cư nhà ở xã hội khu công nghiệp Hòa Khánh với 1.404 căn hộ; đặc biệt là Dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 70 tỉ đồng do Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư, được xây dựng trên tổng diện tích 27.755 m2, gồm 278 phòng đơn và 7 phòng đôi, giải quyết chỗ ở cho khoảng 600 công nhân. Với diện tích các phòng dao động từ 15,75 m2 đến 46,03 m2, giá cho thuê bình quân 18.500 đồng/m2 (đã bao gồm chi phí quản lý, vận hành), tổng giá thuê sẽ dao động từ 320 nghìn - 1,3 triệu đồng/01 phòng, rất phù hợp với thu nhập của công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp.
Ngoài các dự án nhà ở công nhân người lao động tại các khu công nghiệp, thành phố Đà Nẵng còn triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội, dịch vụ thương mại và chung cư chất lượng cao tại Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside với 3.358 căn hộ, hiện chuẩn bị đưa vào vận hành giai đoạn 1.
Được biết, một số dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 cũng đang được thành phố Đà Nẵng tiếp tục triển khai để ưu tiên bố trí cho công nhân các khu công nghiệp đang thu hút đầu các nhà tư như: Nhà ở xã hội tại khu công nghiệp Hòa Cầm (giai đoạn 2), nhà ở xã hội thuộc khu tái định cư Hòa Hiệp (quận Liên Chiểu), nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ)…
Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng về nhu cầu nhà của công nhân tại các khu công nghiệp và dự báo số công nhân có nhu cầu về nhà ở đến năm 2030 trên địa bàn thành phố là 62.433 người. Căn cứ vào dự báo và nhu cầu về nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp và lao động ở khu vực lân cận thành phố sẽ có định hướng phát triển đô thị công nghiệp theo hình thức khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ.
Nhằm từng bước nâng cao chất lượng đời sống công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Công nghệ cao Đà Nẵng cũng đã kiến nghị thành phố quy hoạch quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng các chung cư, nhà ở xã hội gắn liền với các dịch vụ dân sinh, các thiết chế văn hóa, cơ sở y tế, giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, qua đó có thể thu hút, giữ chân lao động giỏi.
UBND thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp, cùng các thiết chế văn hóa, dịch vụ phục vụ người lao động trong khu công nghiệp. Thành phố cũng đã chỉ đạo UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà ở công nhân, đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp. Giao các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao ở trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động sinh sống.