Ngày 23/5, Khu công nghiệp Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị đối thoại Doanh nghiệp năm 2025 với chủ đề “Đối thoại để tháo gỡ - Kết nối để phát triển”, thu hút hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghệ cao, các khu công nghiệp và Khu công nghệ thông tin tập trung tại thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân, có vai trò trung tâm trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; cộng đồng doanh nghiệp là hạt nhân của đổi mới sáng tạo, là lực lượng tiên phong trong chuyển đổi số, phát triển xanh và hội nhập quốc tế.

"Đà Nẵng xác định việc đồng hành cùng doanh nghiệp là nhiệm vụ trung tâm, xuyên suốt của chính quyền thành phố, nhất là sau khi Bộ Chính trị ban hành 04 nghị quyết lớn - “Bộ tứ trụ cột” gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 66-NQ/TW về hoàn thiện pháp luật và thể chế và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Bốn Nghị quyết này xác lập rõ vị trí trung tâm của doanh nghiệp trong mô hình phát triển mới của đất nước, đồng thời yêu cầu các cấp chính quyền phải chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, từ hành chính sang kiến tạo, để giúp đất nước cất cánh. Vì vậy, hội nghị lần này không chỉ là nơi tiếp nhận ý kiến, mà còn là cơ hội để Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tự đánh giá lại phương thức điều hành, cải thiện năng lực phục vụ và khơi thông nguồn lực đầu tư cho giai đoạn phát triển mới của thành phố Đà Nẵng".
Tại hội nghị, các tham luận với các chủ đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm đó là: Rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ và khuyến nghị cho doanh nghiệp; Tầm nhìn và liên kết vùng trong phát triển Khu công nghiệp Hòa Ninh; Ứng dụng khoa học-công nghệ trong phát triển khu công nghiệp xanh; Trình diễn công nghệ BIM và nền tảng quản lý hạ tầng thông minh.
Đáng chú ý, tại phiên đối thoại trọng tâm và thảo luận mở của hội nghị, các doanh nghiệp đã thẳng thắn đối thoại nhiều nội dung quan trọng như vấn đề vướng mắc về pháp lý đất đai, thủ tục đầu tư, quy định việc giảm tiền thuê đất, chính sách công nghệ, lĩnh vực môi trường, nguồn nhân lực và các giải pháp cải cách hành chính… cùng các kiến nghị, đề xuất những giải pháp về chính sách nhà ở xã hội cho công nhân, khó khăn trong tuyển dụng lao động phổ thông, việc thúc đẩy sinh viên kiến tập, thực tập ở các doanh nghiệp.
Tại đối thoại, đại diện các đơn vị, sở, ngành chức năng đã trực tiếp giải đáp, trao đổi chia sẻ thông tin và cam kết tiếp thu những ý kiến xác đáng của doanh nghiệp để xử lý kịp thời, dứt điểm những vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Kết luận hội nghị, ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, khẳng định sẽ nhanh chóng tổng hợp các kiến nghị, phân loại nội dung và phối hợp cùng các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp tháo gỡ phù hợp và nhanh nhất.
Thông tin đến các doanh nghiệp, ông Hùng cho biết thành phố Đà Nẵng luôn chủ động ứng dụng công nghệ vào công tác điều hành như số hóa hạ tầng, xây dựng cổng dịch vụ công trực tuyến, vận hành mô hình “một đầu mối – một quy trình – một kết quả”… để giảm thời gian, chi phí và tăng hiệu quả phục vụ nhà đầu tư. Hiện nay, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng được giao nhiệm vụ quản lý thống nhất 4 trụ cột chiến lược gồm: Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung, Hệ thống các Khu công nghiệp và Khu thương mại tự do – mô hình đầu tiên đang được đề xuất thí điểm trên toàn quốc.
Sắp tới, Ban sẽ tiếp nhận thêm 3 khu công nghiệp đang hoạt động và 10 khu công nghiệp đã có quy hoạch tại tỉnh Quảng Nam, khi mở rộng phạm vi điều hành theo không gian phát triển mới của Đà Nẵng sau sáp nhập. Đây là bước đi chiến lược, tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức, đòi hỏi phải đổi mới mô hình vận hành, nâng cao năng lực điều phối, xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục, đặc biệt phải có sự đồng hành mạnh mẽ hơn từ cộng đồng doanh nghiệp.
Được biết, hiện nay, các công nghệ tiên tiến như: Mô hình thông tin công trình (BIM), Hệ thống thông tin địa lý (GIS), cùng các ứng dụng mở rộng như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và mô hình song sinh kỹ thuật số (Digital Twin) đã và đang được tích hợp vào công tác quy hoạch, quản lý và vận hành Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Trong thời gian tới, các công nghệ này sẽ tiếp tục được mở rộng áp dụng tại các khu công nghiệp mới và khu thương mại tự do trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và thúc đẩy phát triển bền vững.